Chính sách pháp luật về GD-ĐT: Nhận diện những bất cập (bài 2)

XUÂN PHÚ 18/10/2018 03:41

BÀI 2: SỢ LÀM THẦY GIÁO GIỎI

Ai đi dạy không mong trở thành thầy giáo, cô giáo giỏi. Song thực tế hiện nay có không ít người sợ giỏi, vì nếu giỏi có nguy cơ không còn được… làm thầy!

Tin liên quan

  • Chính sách pháp luật về GD-ĐT: Nhận diện những bất cập (bài 1)
Chính sách đối với nhà giáo hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: X.P
Chính sách đối với nhà giáo hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: X.P

Giỏi, sẽ mất nhiều thứ

Trước khi được bổ nhiệm Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hiệp Đức cách đây vài năm, ông Phạm Văn Rực là Hiệu phó Trường THPT Hiệp Đức. Được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, song ông Rực lại mất nhiều thứ. Từ người được hưởng phụ cấp 0,55 của chức danh hiệu phó, chế độ phụ cấp ưu đãi 35% và phụ cấp thâm niên nhà giáo 20%, sau khi bổ nhiệm ông Rực chỉ hưởng khoản phụ cấp công vụ 25%, phụ cấp chức vụ giảm xuống chỉ còn 0,3, đáng chú ý là ông không còn được nhận khoản phụ cấp thâm niên nhà giáo và phụ cấp ưu đãi. Điều đó có nghĩa, từ hiệu phó lên trưởng phòng GD-ĐT, hàng tháng ông Phạm Văn Rực bỗng dưng “mất” đi 30% phụ cấp các khoản và 0,25 phụ cấp chức vụ. Đã đi dạy hơn 20 năm, tính ra đây không phải là khoản tiền nhỏ! Đó là chưa kể, chuyển từ viên chức sang công chức ông Rực còn chịu thiệt thòi khi mất luôn khoản đóng bảo hiểm xã hội của phụ cấp thâm niên.

Câu chuyện của ông Phạm Văn Rực cũng là câu chuyện phổ biến của rất nhiều nhà giáo hiện nay khi từ trường học được điều chuyển lên công tác tại phòng hay Sở GD-ĐT. Ông Lê Trung Thiêng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên cho rằng, để được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo phòng GD-ĐT, nhà giáo phải có thời gian công tác khá dài và sở hữu bề dày thành tích. Cụ thể, trước hết anh phải đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, sau đó còn phải hội đủ các điều kiện khác nữa mới được bổ nhiệm làm hiệu phó rồi hiệu trưởng. Từ đây phải trải qua chặng đường dài nữa sau khi thể hiện năng lực chuyên môn mới được tín nhiệm bổ nhiệm làm lãnh đạo phòng GD-ĐT. “Vậy mà, quy định hiện nay trưởng phòng GD-ĐT phụ cấp chức vụ 0,3, thua xa hiệu trưởng trường THCS loại 1 là 0,55; còn phó phòng GD-ĐT là 0,2, ngang bằng với tổ trưởng chuyên môn của trường học. Đã vậy, tự dưng mấy chục năm đi dạy, giờ không còn hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, không còn được coi là nhà giáo” - ông Thiêng chia sẻ.

Có người hỏi, bảo cán bộ quản lý, giáo viên từ trường lên phòng, sở mất nhiều thứ, vậy họ được những gì? Một nhà giáo tại Hiệp Đức nói vui rằng, chúng tôi được nhiều thứ, đó là “được” đi làm xa nhà, “được” làm việc ngày 8 tiếng đồng hồ trong suốt cả tuần thay vì 17 tiết/tuần theo quy định! Bởi vậy, không ngạc nhiên từng có thời kỳ khá nhiều cán bộ làm việc tại Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT đồng loạt xin chuyển công tác về trường học. Còn nhớ thời điểm cách đây 7 năm, chỉ trong thời gian ngắn có đến 8 cán bộ làm việc tại Sở GD-ĐT (trong đó 6 người giữ chức trưởng phòng, phó phòng) xin chuyển công tác về các trường học. Trong rất nhiều lý do như thích được trở về với thiên chức làm thầy thì lý do quan trọng nhất khi chuyển về trường, đó là thu nhập sẽ tăng lên. Ông Lương Đức Hiền - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Đại Lộc nhìn nhận, hiện nay chưa đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhà giáo, nhất là những người chuyển sang làm công tác quản lý. Vì vậy, khi hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên được điều động về công tác ở phòng GD-ĐT chịu thiệt thòi vì mất các chế độ phụ cấp. Từ thực tế địa phương mình, Trưởng phòng GD-ĐT Phước Sơn - ông Lê Văn Hà cho rằng, chế độ thâm niên chỉ áp dụng cho viên chức đang giảng dạy ở các trường nên việc điều động viên chức từ trường lên làm nhiệm vụ tại phòng và thu hút người giỏi làm công tác chuyên môn cực kỳ khó khăn vì phần lớn đều tìm lý do từ chối.

Tự... chữa cháy

Công tác tốt, dạy giỏi và có nhiều năm kinh nghiệm sẽ bỗng dưng giảm thu nhập nếu được điều động về làm việc ở cơ quan phòng, sở. Chuyện “thật như đùa” này đã kéo dài nhiều năm song chưa được tháo gỡ, thậm chí ngày càng nảy sinh thêm bất hợp lý sau khi có chính sách phụ cấp thâm niên nhà giáo. Vì vậy, Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn - ông Nguyễn Tấn Ngọc cho rằng, những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo khi làm việc ở sở, phòng khiến cho nhiều người ngại… giỏi. “Chính sách hiện nay thủ tiêu động lực phấn đấu của người làm giáo dục. Anh nào dưới trường làm giỏi một tí là “sợ” điều động về phòng nên không dám nỗ lực hoặc làm việc cầm chừng” - ông Ngọc nói. Cũng chính vì vậy mà thực tế hiện nay, để có người làm việc tại phòng GD-ĐT, nhiều địa phương buộc phải “chữa cháy” bằng phương án trưng tập cán bộ quản lý, giáo viên của trường học. Chẳng hạn tại Đại Lộc, tổng số cán  bộ, viên chức phòng GD-ĐT là 13 người thì có hơn một nửa là viên chức biệt phái. Tương tự, 5 người làm việc chuyên môn ở phòng GD-ĐT huyện Hiệp Đức là viên chức trưng tập từ các trường. Một số địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự và theo lãnh đạo các địa phương, cách làm này nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về chế độ, chính sách hiện nay. “Cán bộ quản lý trường học, giáo viên lên làm việc tại phòng nhưng nhận lương dưới trường và vẫn đảm bảo các chế độ, chính sách nhà giáo như phụ cấp thâm niên. Có như vậy họ mới đồng ý và phòng mới có người làm việc” - lãnh đạo một phòng GD-ĐT chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, Chính phủ nên xem xét sửa đổi quy định về chế độ thâm niên đối với nhà giáo theo hướng viên chức ở các trường học (cán bộ quản lý, giáo viên) khi được điều động về công tác tại phòng GD-ĐT được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, một trong những nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện mà Nghị quyết 29 nhấn mạnh là “tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, không chỉ làm thui chột ý chí phấn đấu của nhiều người mà còn tạo ra sự không công bằng. Theo ông Quốc, người được điều động về công tác ở sở, phòng phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ , nhưng người giỏi lại không đi vì thiệt thòi nhiều thứ, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành của ngành. Sự bất hợp lý, thậm chí chua xót hiện nay khi chuyển từ giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sang làm ở phòng hay Sở GD-ĐT không hẳn chỉ là chế độ phụ cấp bị mất mà còn là chính danh nhà giáo. “Mấy chục năm đi dạy, nỗ lực đạt danh hiệu giáo viên giỏi, cán bộ quản lý trường học tốt, song đến khi chuyển về làm công tác chuyên môn, quản lý ở phòng, sở lại không còn được coi là nhà giáo. Trong Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới, cần quy định nhà giáo là người trực tiếp giảng dạy, kể cả những người làm công tác quản lý, chuyên môn đang làm việc tại sở, phòng. Đồng thời nên sớm xây dựng Luật Nhà giáo vì hiện nay nhà giáo được chi phối bởi Luật Viên chức có nhiều điểm chưa phù hợp” - ông Quốc nói.

---------------------
Bài cuối: “Nóng” chuyện sắp xếp trường, lớp

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách pháp luật về GD-ĐT: Nhận diện những bất cập (bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO