Tại Kỳ họp HĐND lần thứ 4, nhiều ý kiến xoay quanh dự thảo Đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017 - 2021, trong đó nhấn mạnh cần điều chỉnh nhiều nội dung để đề án sát với thực tiễn hơn.
|
Ở những bệnh viện đặc thù đang thiếu bác sĩ, vì vậy cần có chính sách phù hợp để bổ sung nguồn lực cho những nơi này.Ảnh: N.D |
Chưa sát thực tiễn
Góp ý cho dự thảo Đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017 - 2021, những vấn đề như không công bằng giữa khu vực bệnh viện (BV) công và BV tư, giữa người mới được thu hút và người làm việc lâu năm... đã được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận. Theo ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để giải quyết vấn đề thiếu hụt bác sĩ như hiện nay thì cần phải có giải pháp căn cơ, bắt đúng “bệnh” của ngành y tế hiện tại. “Với cơ chế quản lý, tư duy công lập như hiện nay thì rất khó để thay đổi, cải thiện được tình hình. Tại sao đa số bệnh nhân vẫn chọn BV tư để khám chữa bệnh? Do BV công phục vụ không tốt hay điều kiện không đảm bảo nên họ vẫn chấp nhận chi phí cao hơn nhưng được phục vụ tốt hơn? Nếu như thế, phải cải thiện được việc đó đã rồi hãy tính đến chuyện thu hút bác sĩ về đây làm việc” - ông Ca nói. Còn ông Võ Bảy - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh thì cho rằng: “Với chính sách thu hút bác sĩ, có người được nhận đến 500 triệu đồng. Như vậy, người làm lâu năm không có sẽ rất buồn. Bên cạnh đó, tình trạng bác sĩ tại BV tuyến huyện ra BV tư nhân làm rất nhiều. Trong khi không giữ được nay lại đổ tiền ra lấy về thì rất không nên”.
Chưa thông qua đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017-2021 Kết thúc phiên họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX, với những vướng mắc chưa giải quyết được, đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017-2021 đã không được thông qua. Đề án này vẫn sẽ được tiếp tục kiện toàn, chỉnh sửa sao cho phù hợp để trình trong kỳ họp lần thứ 5 tới. Riêng đề án về chính sách hỗ trợ đào tạo chuyên sâu viên chức sự nghiệp y tế giai đoạn 2017-2021 đã được HĐND tỉnh thông qua và triển khai trong thời gian tới. |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thống nhất với chính sách thu hút bác sĩ nhưng cho rằng cần điều chỉnh một số nội dung cụ thể. Trong đó, đa số thống nhất kiến nghị chỉ nên áp dụng trong 2 năm 2017 - 2018, từ năm 2019 trở đi thì nên tuyển dụng bình thường. Bà Trần Thị Bích Thu - Phó ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, cần có chính sách thu hút bác sĩ ở những nơi có nhu cầu nhưng thiếu bác sĩ. “Có nơi mỗi bác sĩ khám chữa bệnh cho hơn 100 người, trong khi quy định chỉ 40 người/ngày. Vì vậy, cần thu hút bác sĩ về đây công tác để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian tới. Đặc biệt là đối với các huyện miền núi, chuyên khoa, trung tâm đặc thù cần có sự quan tâm đúng mức hơn” - bà Thu nói. Đây cũng là ý kiến chung của các BV đặc thù như BV Tâm thần, BV Phạm Ngọc Thạch hay Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS... Bác sĩ Võ Quang Thiều - Giám đốc BV Tâm thần Quảng Nam cho biết, hiện nay BV thiếu bác sĩ trầm trọng. “Có hơn 100 bệnh nhân nhưng chỉ có 6 bác sĩ để chăm sóc thì rất khó khăn, chưa kể sắp tới sẽ có 1 bác sĩ về hưu nữa. Cũng mong chính sách thu hút bác sĩ kéo được thêm nhiều người về đây làm việc để chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân” - bác sĩ Thiều nói. Tương tự, bà Chế Thị Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay trung tâm chỉ có 3 bác sĩ công tác, phục vụ gần 100 bệnh nhân mỗi ngày nên rất vất vả. Hiện tại, trung tâm vẫn còn thiếu 3 - 4 bác sĩ nữa. Chính vì vậy, nếu đề án thu hút bác sĩ kéo được nhiều người về đây công tác thì sẽ giảm tải rất nhiều cho những bác sĩ còn lại.
Cần cân bằng giữa công - tư
Tình trạng “chảy máu” chất xám ở các BV công là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ tại sao lại xảy ra tình trạng này, từ đó có cách khắc phục triệt để. “Qua khảo sát cho thấy các bác sĩ ở lại công tác ở các BV công theo kiểu học việc là chính. Nhiều người bảo, BV công là nguồn cung cấp nguồn lực cho các BV dân lập. Nếu như thế thì đề án thu hút bác sĩ, đào tạo bác sĩ chẳng khác gì lấy ngân sách đào tạo cho BV tư hết” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn góp ý. “Để xảy ra tình trạng như hiện nay là bởi có sự chênh lệch trong môi trường làm việc giữa BV công và BV tư. Vì vậy, cần phải có cơ chế tạo mặt bằng, sự bình đẳng trong lĩnh vực y tế công - tư. Nếu nâng cao thu nhập của bác sĩ ở BV công tương xứng với khả năng và công sức thì tin rằng sẽ giữ được bác sĩ ở lại công tác” - bà Trương Thị Hồng Tuyến, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Sơn cho ý kiến.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, cần phải công bằng giữa BV công - tư. “Mục đích cuối cùng cũng là để phục vụ cho nhân dân, sao lại phải phân biệt giữa công và tư? Trong khi đó, BV tư nhân phải thuê đất, BV công lại được miễn phí?” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thắc mắc. Theo xu hướng hiện nay, các BV đang dần chuyển sang mô hình tự chủ tài chính, xã hội hóa y tế. Nên việc cân bằng giữa công - tư cần sớm được giải quyết. “Đối với đề án đào tạo chuyên sâu theo ê kíp là cần thiết để bổ sung nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Cho nên, 2 đề án này phải chú trọng vào 3 vấn đề chính: đào tạo ê kíp; bổ sung bác sĩ cho miền núi và thu hút cho các BV đặc thù” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói thêm.
Đại biểu Trương Thị Hồng Tuyến - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Sơn kiến nghị, nên gộp 2 đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017 - 2021 và đề án đào tạo chuyên sâu cho cán bộ y tế công lập giai đoạn 2017 - 2021 lại thành một. “Chỉ cần thu hút những gì mình đang còn thiếu. Có những nơi không có bệnh nhân tới khám thì thu hút về đó làm gì? Nếu có chính sách thu hút bác sĩ thì chỉ nên ở những lĩnh vực chuyên sâu, ở những vị trí cần thiết. Nếu có thể thì có cách gì để ưu đãi cho những người đã đến tuổi về hưu được tiếp tục cống hiến. Vì thực chất, những người này, sau khi về hưu cũng được các BV tư nhân mời về làm việc” - bà Tuyến góp ý.
NGUYỄN DƯƠNG