Chính sách và cuộc sống

TRƯỜNG ĐỒNG 08/05/2023 07:53

Tại Kỳ họp thứ 14 diễn ra cuối tuần qua, HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa X) đã thống nhất bãi bỏ Nghị quyết số 38 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, nhằm thực hiện theo kết luận của Kiểm toán nhà nước. Lỗi sai được Kiểm toán nhà nước chỉ ra là “chưa lấy ý kiến của bộ, ngành Trung ương”.

Những người có trách nhiệm đã giải trình rất rõ lý do dẫn đến sai. Nhưng điều quan tâm là lãnh đạo ngành NN&PTNT cho rằng thực hiện theo kết luận của Kiểm toán nhà nước là cơ hội để bãi bỏ Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh, bởi thực tế chính sách này chưa có cơ hội thực thi, khi hạn mức của tỉnh chỉ 500 nghìn đồng/ha/năm (lưu vực nào đơn giá chưa đến 500 nghìn đồng thì tỉnh sẽ hỗ trợ cho đạt mức), trong khi đơn giá dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh sau khi điều tiết thì nơi thấp nhất đã ở mức 718 nghìn đồng/ha/năm.

Ở đây có 2 vấn đề đặt ra.

Giả sử chính sách theo Nghị quyết số 38 nêu trên thực sự đi vào đời sống, đem lại hiệu quả tích cực thì cơ quan thẩm quyền có nên xem xét đến yếu tố “Quảng Nam chưa lấy ý kiến bộ ngành Trung ương nhưng chính sách ban hành không vi phạm quy định pháp luật khác, đem lại hiệu quả thiết thực” để không “tuýt còi” - chữ nhiều người dùng trong trường hợp này - hoặc tham mưu đề xuất cho Quảng Nam tiếp tục thực hiện chính sách. Điều này nếu thật, khả năng có được chấp nhận?

Ở góc nhìn khác, Nghị quyết số 38 sau khi ban hành thì đơn giá dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực thủy điện điều tiết tăng cao trên mức 500 nghìn đồng/ha/năm, nên không có cơ hội thực thi.

Nếu đã vậy, nên chăng ngành chức năng cần kịp thời tham mưu bãi bỏ hoặc sửa đổi chính sách cho phù hợp thực tế, để dù đến nay có bị “tuýt còi” thì cũng được nhìn nhận là có trách nhiệm.

Quảng Nam đã sửa sai, bãi bỏ Nghị quyết số 38. Đồng thời làm việc đúng hơn nhiều là quyết định tiếp tục xây dựng chính sách quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên phù hợp với thực tế - Dù muộn (như đã phân tích ở trên), nhưng đúng là cần phải làm, để giữ rừng!

Người đứng đầu ngành NN&PTNT tỉnh cho biết, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đang xây dựng dự thảo nghị quyết mới (thay thế cho Nghị quyết 38 vừa được bãi bỏ) và đưa mức hỗ trợ lên 700 nghìn đồng/ha/năm trên tất cả lâm phận rừng chứ không riêng lưu vực thủy điện.

Đồng thời cho rằng, nếu chờ Chính phủ ban hành nghị định sẽ rất lâu, trong khi hiện nay các chính sách hỗ trợ đối với khu vực ngoài lưu vực thủy điện rất thấp, chưa đủ khuyến khích công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lần này, việc trình dự thảo nghị quyết đáp ứng yêu cầu pháp lý, trên cơ sở xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, giải quyết được đòi hỏi bức thiết trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhìn rộng ra, có những chuyện cấp bách từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, nhưng chờ Trung ương ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện thì quá lâu.

Hưởng ứng/đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung; khi địa phương xây dựng chính sách để thực hiện vì lợi ích nhân dân, nếu sau này may mắn phù hợp, đúng với quy định của nhà nước thì được cho là sáng tạo, mở đường, “đi trước một bước”; ngược lại, bị cho là vi phạm nguyên tắc, “cầm đèn chạy trước ô tô”, người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đây cũng được nhận định là nguyên nhân khiến cán bộ bây giờ làm gì cũng dè dặt, thậm chí sợ sai nên không làm, bởi có quá nhiều rủi ro pháp lý cho người thi hành công vụ.

Xã hội vận động không ngừng, và khi những chính sách xây dựng từ cơ sở bám sát cuộc sống, đáp ứng thực tiễn nhưng chưa đúng quy định, hoặc do quy định không còn phù hợp nhưng chưa kịp thay đổi, cần được xem xét, vì đó là yêu cầu khách quan tất yếu.

Và những người có thẩm quyền, khi “tuýt còi” cũng cần “xem chậm” thật kỹ để đưa ra quyết định chính xác, phù hợp, tạo chỗ dựa tâm lý cho người thi hành công vụ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách và cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO