Chính sách và thực tiễn

HỮU PHÚC 21/10/2014 08:54

Hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản quy định khá chặt chẽ, chi li nhưng cũng bộc lộ không ít kẽ hở dẫn đến tình trạng thất thoát nguồn thu ngân sách và tác động xấu đến môi trường.

Câu chuyện về Tập đoàn Besra Việt Nam – chủ của hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn dây dưa nợ thuế hàng trăm tỷ đồng thời gian qua đã dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận về thực thi chính sách pháp luật thuế tại địa phương. Ai cũng biết, mọi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng trước pháp luật. Vì sao doanh nghiệp nợ “kính thưa các loại thuế” như thuế tài nguyên, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường và tiền phạt chậm nộp thuế vẫn chưa được chặn đứng kịp thời, để nợ chồng nợ? Có phải cơ chế, chính sách của Nhà nước quá ưu ái cho doanh nghiệp khai khoáng này? Những thắc mắc trên cũng cần được các ngành chức năng giải đáp sớm, nếu muốn đánh tan sự ngờ vực của dư luận.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, tại diễn đàn về “Sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng”, TS. Nguyễn Thành Sơn - Trưởng ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) nêu mâu thuẫn giữa Luật Thuế tài nguyên và Nghị định 50/2010/NĐ-CP trong quy định về tính thuế tài nguyên. Ví dụ, Luật Thuế tài nguyên hiện hành tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; trong khi đó nghị định tính thuế với một số sản phẩm như dầu thô, khí thiên nhiên, khí than… là giá bán tại điểm giao nhận, kéo theo cách tính khác nhau và xảy ra sự chênh lệch lớn. Thực tế, UBND tỉnh quy định mức tính phí khác nhau giữa hai nhà máy vàng Phước Sơn và Bồng Miêu nên Tập đoàn Besra đã lợi dụng chính sách này để trốn thuế bằng hình thức chuyển vàng từ mỏ này sang mỏ kia. Chính sách thuế hiện hành ở phương diện nào đó đã không tận thu hiệu quả tài nguyên vì thu thuế khoáng sản dựa vào sản lượng mà doanh nghiệp khai thác được nên họ thường khai báo sản lượng thấp hơn so với thực tế, gây thất thoát tài nguyên.

Doanh nghiệp khai khoáng khi đi vào hoạt động đều bắt buộc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường nhưng thực tế tiền ký quỹ thấp, không đủ nguồn lực phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án. Tại các huyện miền núi trong tỉnh, nhiều doanh nghiệp sau khi lấy hết tài nguyên, đục khoét hàng trăm héc ta đất đã cao chạy xa bay, để lại hiện trạng méo mó, biến dạng. Tình trạng không hoặc chậm hoàn thổ mặt bằng của doanh nghiệp khai khoáng đã trở nên khá phổ biến ở miền núi, thế nhưng các cơ quan chức năng xử lý rất xuê xoa. Theo quy định, bao nhiêu diện tích rừng bị mất khi chuyển đổi mục đích sử dụng, các tổ chức, đơn vị, cá nhân sau khi chấm dứt khai thác phải trồng bù lại bấy nhiêu rừng, nhưng hiếm thấy dự án khai khoáng nào thực hiện nghĩa vụ này. Chính sách ban hành một đường, thực tế vận dụng một nẻo.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường, để chính sách tài nguyên khoáng sản đi vào thực tiễn, nhất thiết phải quy định cụ thể tỷ lệ phân bổ nguồn thu để bảo đảm sự công bằng cho những người dân tại địa phương có mỏ khai thác. Thêm vào đó, cần giám sát công khai, minh bạch, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư khi triển khai dự án khoáng sản. Chính sách về ngành công nghiệp khai khoáng phải hướng đến mục tiêu khai thác và sử dụng hợp lý, tránh bán rẻ tài nguyên.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách và thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO