(QNO) - Dữ liệu được ghi lại bởi máy ảnh kỹ thuật số ngày nay thường được coi là “nguyên liệu thô”. Chúng ta cần phải tốn một ít thời gian để cân bằng màu sắc, điều chỉnh độ tương phản… với phần mềm chuyên dụng. Sau đó mới có tác phẩm hoàn chỉnh để sẵn sàng đưa lên các trang mạng xã hội.
Vì vậy, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) đã phát triển một hệ thống mới có thể tự động vẽ lại hình ảnh theo phong cách của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Trên website của MIT cho biết hệ thống xử lý hình ảnh tự động độc đáo này vừa được các nhà nghiên cứu về khoa học máy tính và phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo thuộc MIT trình bày tại Siggraph - hội nghị đồ họa kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Điểm đặc biệt của hệ thống là mạnh mẽ, hiệu quả nhưng lại gọn nhẹ, nhanh nên có thể chạy trên chiếc điện thoại di động, đồng thời chỉnh sửa ảnh theo thời gian thực.
Hệ thống mới giúp tăng tốc các thuật toán xử lý hình ảnh hiện có, đồng thời sử dụng kết hợp thuật toán mới của Google, qua đó tạo ra tấm hình được coi là rất chuyên nghiệp, đặc biệt là phương diện màu sắc.
Đây là một hệ thống máy học, có nghĩa là nó học cách thực hiện các nhiệm vụ bằng cách huấn luyện phân tích dữ liệu, hệ thống đã được đào tạo về một bộ dữ liệu gồm 5.000 hình ảnh, mỗi hình có 5 biến thể được chỉnh sửa khác nhau. Thay vì xuất ra một hình ảnh hoàn chỉnh, hệ thống sẽ xuất ra một công thức để thay đổi màu sắc của các điểm ảnh. Trong quá trình học tập nó cải thiện thuật toán riêng của mình bằng cách đánh giá sản lượng của nó có thể xấp xỉ như hình ảnh ban đầu.
Công trình này được xây dựng dựa trên một dự án trước đó của các nhà nghiên cứu MIT, trong đó một chiếc điện thoại di động sẽ ghi rồi gửi một hình ảnh có độ phân giải thấp tới một máy chủ web. Máy chủ sẽ gửi lại "công thức chuyển đổi" có thể được sử dụng để chỉnh sửa hình thành phiên bản độ phân giải cao trên điện thoại, nhưng ít tiêu tốn giảm tiêu thụ băng thông.
Michaël Gharbi, một sinh viên cao học của MIT, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết đồng thời với MIT thì hãng Google cũng có những nghiên cứu tương tự. Vì vậy, cách tốt nhất là sáp nhập cách của cả đôi bên, trong đó không cần phải xử lý mọi thứ trên điện toán đám mây và ưu tiên cho tốc độ tức thời.
Cuối cùng, hệ thống đã có thể sao chép một hình ảnh HDR độ phân giải cao 100 lần nhanh hơn thuật toán HDR gốc. Điều này cho phép hình ảnh được chỉnh sửa theo thời gian thực HDR xuất hiện trong màn hình chế độ xem của điện thoại thông minh sử dụng chế độ xử lý rất ít tốn pin. Đó là cách mà MIT khắc phục được nhược điểm của Google. Rất có thể công nghệ này sẽ được MIT và Google thoả thuận để đưa vào dòng điện thoại Google Pixel thế hệ mới.
TẠ XUÂN QUAN