Báo Đảng Quảng Nam, theo dòng lịch sử

LÊ AN ĐÔNG 17/06/2022 05:53

Báo Quảng Nam - cơ quan của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 28/QĐ-TU ngày 1.1.1997 của Tỉnh ủy Quảng Nam. Tuy nhiên trong những năm 1930 - 1975, để phù hợp với nhiệm vụ cụ thể, báo Đảng Quảng Nam liên tục thay đổi tên gọi từ Báo Lưỡi Cày, Khởi Nghĩa, Cờ Độc Lập, Giải Phóng…

Tờ báo Giải Phóng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Tờ báo Giải Phóng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Tờ báo đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam

Theo tư liệu và các công trình lịch sử, tờ báo Đảng Quảng Nam đầu tiên được ghi nhận ra đời vào tháng 5.1930 với tên gọi báo Lưỡi Cày. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1.5), bên cạnh tờ báo Bẻ xiềng của Xứ ủy, Tỉnh ủy chủ trương “ra báo Lưỡi Cày, Thị ủy Đà Nẵng ra báo Còi nhà máy”. Đồng chí Phan Văn Định - Bí thư Tỉnh ủy là người khởi xướng, đồng thời là người tổ chức thực hiện số ra đầu tiên của báo Lưỡi Cày.

Tên gọi “Lưỡi Cày” có ý nghĩa như thế nào? Trong thông cáo về việc thành lập Đảng bộ Quảng Nam có nêu: “Chúng tôi, những người trong Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng nguyện hy sinh tranh đấu do Đảng Cộng sản Việt Nam hướng đạo, nhằm bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ…”.

Vì vậy, nhằm tập hợp đông đảo thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ đi theo con đường Cách mạng của Đảng, lúc bấy giờ Đảng bộ tỉnh cho ra đời tờ báo Lưỡi Cày.

Tên gọi vừa ngắn ngọn, vừa dễ nhớ, dễ hiểu, có lẽ cái tên Lưỡi Cày cũng đã nói lên mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lúc này là tập hợp công nhân, nông dân và các tầng lớp bị áp bức đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến thực hiện độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày.

Làm báo trong mọi hoàn cảnh

Cuối năm 1930, Tỉnh ủy bị vỡ, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy bị bắt giam tại nhà lao Vĩnh Điện. Để lãnh đạo phong trào, đồng chí Phan Văn Định đã cùng anh em thành lập Ban trật tự nhà lao, đồng thời cho ra tờ báo Nẻo nhà pha (Nơi ngục tù) - tên gọi như để nhắc nhở anh em, mặc dù ở chốn lao tù, nhưng luôn giữ tinh thần lạc quan cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Không thể in ấn, tờ báo được viết bằng tay, được lưu truyền bí mật. Thời gian sau, một số anh em tù chính trị ở nhà lao tỉnh bị thực dân Pháp chuyển xuống nhà lao Hội An, do lực lượng bị phân tán, báo Nẻo nhà pha ngừng hoạt động.

Tháng 3.1940, Tỉnh ủy được lập lại. Tháng 10.1940, Tỉnh ủy đã liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ và tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại chùa Hang. Nhằm tập trung mọi lực lượng phục vụ nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc, giành độc lập dân tộc, Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thay bằng khẩu hiệu “tịch ký ruộng đất của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc”. Trên cơ sở đó, Hội nghị Tỉnh ủy quyết định “ra tờ báo Khởi Nghĩa để làm cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ tỉnh”.

Củng cố lòng tin với Đảng

Tháng 6.1942, Liên Thành ủy, Tỉnh ủy Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng được thành lập. Lúc bấy giờ tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi cho ta, đặc biệt trên cơ sở nắm vững tinh thần Hội nghị lần thứ Tám Trung ương Đảng (5.1941) trong đó nhấn mạnh “phải xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”, khi thời cơ đến “với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.

Để phù hợp với diễn biến tình hình cách mạng, đặc biệt là nhằm gương cao ngọn Cờ độc lập dân tộc, Hội nghị Tỉnh ủy chủ trương khôi phục tổ chức, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đồng thời tiếp tục “ra báo Cờ Độc Lập thay cho tờ Khởi nghĩa và phát hành báo xuống tận cơ sở.

Đến tháng 10.1943, phong trào cách mạng bị đánh phá, nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy bị bị bắt giam tại nhà đày Buôn Mê Thuột, báo Cờ Độc Lập ra đến số thứ 8 (có tài liệu nói số 9) thì tạm dừng. Đến tháng 4.1944, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập. Báo Cờ Độc Lập, tiếp tục ấn hành đã góp phần củng cố lòng tin của đảng viên và quần chúng đối với Đảng.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) vào giữa tháng 3.1945, Tỉnh ủy Quảng Nam và Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức hội nghị liên tỉnh tại Hóc Cỏ (Tam Kỳ, Quảng Nam), phân tích những nguyên nhân Nhật đảo chính Pháp, vạch rõ những thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp rất nguy hiểm của phát xít Nhật. Để đẩy phong trào lên nhanh để kịp thời cơ khởi nghĩa, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định ra tờ báo Giải Phóng thay cho báo Cờ Độc Lập.

Năm 1947, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, Tỉnh ủy chủ trương cho ra đời tờ báo Chiến Thắng thay cho tờ Giải Phóng với ý nghĩa tin tưởng vào cuộc kháng chiến lâu dài nhất định thắng lợi của quân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đồng bằng, miền núi cùng ra báo

Từ sau năm 1954, khi Mỹ - Diệm đưa chính sách “tố cộng” nhằm “tát nước bắt cá”, “diệt sạch cộng sản ở miền Nam”, “giết nhầm hơn bỏ sót” thì phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần ngày càng khó khăn, không còn phù hợp.

Đây là giai đoạn phong trào cách mạng trong tỉnh, đặc biệt là phong trào ở đồng bằng lâm vào thoái trào, nhiều nơi bị tổn thất, sự lãnh đạo giữa tỉnh với huyện, huyện với xã ở nhiều nơi bị đứt liên lạc.

Trước tình hình đó, để đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu phải có một tờ báo. Tỉnh ủy chủ trương ra báo Quyết Tiến, nhằm động viên cán bộ, đảng viên giữ vững tinh thần cách mạng. Báo Quyết Tiến ra đều đặn, góp phần giữ vững tinh thần tiến công cách mạng của quân và dân ta.

Còn ở miền núi lúc này, để nâng cao đời sống văn hóa và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc, để chủ trương của Đảng đến nhiều hơn với quần chúng, Ban cán sự miền Tây Quảng Nam tổ chức phiên âm tiếng Cơ Tu và tổ chức cho nhân dân học tập và bộ phận tuyên huấn lo việc in.

Cuối năm 1959, trên cơ sở thành công của việc phiên âm tiếng Cơ Tu, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam cho ra tờ Gung Dưr (vùng lên, đứng lên). Từ thành công của việc phiên âm tiếng Cơ Tu và ra tờ Gung Dưr, năm 1960, Ban Cán sự miền Tây tiếp tục phiên âm chữ Ca Dong và cuối năm 1960 phát hành bản tin thứ hai mang tên Pru Dương in bằng tiếng Ca dong.

Tờ Gung Dưr và Pru Dương đã góp phần làm thay đổi đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi Quảng Nam, đồng thời kịp thời đưa chủ trương của Đảng đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này phù hợp chủ trương đoàn kết toàn dân tộc trong kháng chiến của Đảng, vừa phù hợp với tình hình cách mạng tại địa phương.

Góp phần giải phóng quê hương

Cuối năm 1961, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời, quán triệt chủ trương của Trung ương: “... Phải khởi nghĩa bằng lực lượng chính trị là chính, có lực lượng vũ trang phối hợp, trên cơ sở đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, mà nòng cốt là công, nông, binh liên hiệp”.

Nhằm tạo điều kiện mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước, báo Quyết Tiến của Tỉnh ủy được đổi tên thành báo Giải Phóng với danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh. Báo Giải Phóng là tờ báo Đảng ra đời, tồn tại và phát triển với thời gian dài nhất so với các tờ báo trước đó (1960 - 1975).

Đúng với ý nghĩa “giải phóng”, trong giai đoạn này báo Giải Phóng Quảng Nam và báo Giải Phóng Quảng Đà đã góp phần đắc lực trong tuyên truyền chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng, góp phần cùng quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn quê hương trong những ngày tháng 3 lịch sử.

Như vậy, qua từng giai đoạn cách mạng cụ thể, tên gọi của báo Đảng Quảng Nam có thể thay đổi cho phù hợp với chiến lược, sách lược vận động, tập hợp lực lựng cách mạng, tuy nhiên mục tiêu chiến lược không hề thay đổi, đó là tuyên truyền, vận động đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo Đảng Quảng Nam, theo dòng lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO