Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc tại Quảng Nam

VINH ANH 11/05/2023 21:43

(QNO) - Chiều 11/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Quảng Nam nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu...

 
 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VINH ANH

Tiếp và làm việc với đoàn, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng đại diện sở, ban ngành của tỉnh.

Thiếu đất mở rộng khu công nghiệp

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh giảm 29,8% so với cùng kỳ, chỉ số tồn kho tăng 193%. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm, đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng và quy mô.

 
 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh báo cáo nhiều khó khăn, vướng mắc kiến nghị trung ương sớm tháo gỡ. Ảnh: VINH ANH

Qua 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 1,197 tỷ USD, giảm 29,53% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn khiến thu ngân sách giảm theo. Đến ngày 30/4, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 8.092 tỷ đồng, chiếm 30% dự toán giao; giải ngân 878 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 11,3% so với kế hoạch UBND tỉnh giao. 

Tại buổi làm việc, Quảng Nam báo cáo với đoàn công tác 33 nội dung vướng mắc cần tháo gỡ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giải ngân, thẩm định nguồn vốn... 

 
 Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VINH ANH

Việc lập đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp  (KCN) mới gặp khó khăn do vướng mắc về chỉ tiêu đất KCN được Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326 ngày 9/3/2022. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, với những địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp thì cần quan tâm, tạo điều kiện để tăng chỉ tiêu về công nghiệp. 

“Quảng Nam nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, quỹ đất chủ yếu là đất cát, đất đồi núi, không phải đất màu mỡ về trồng lúa, rau màu, nên phù hợp với phát triển công nghiệp, nhất là khi Quảng Nam có cảng biển, hệ thống giao thông thuận lợi hướng đến xuất khẩu. Do đó, chúng tôi kiến nghị trung ương quan tâm đối với những địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp thì ưu tiên tối đa” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề xuất.

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang phát biểu ý kiến. Ảnh: VINH ANH 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu dẫn chứng về vướng mắc cụ thể là Tập đoàn Trường Hải (Thaco) có nhu cầu mở rộng sản xuất hơn 100ha nhưng gần một năm qua vẫn chưa hoàn tất hồ sơ để mở rộng KCN cho Trường Hải. Trong khi nhu cầu phát triển công nghiệp của Thaco rất lớn nhưng quỹ đất không có, thủ tục để bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất bị Quyết định 326 ràng buộc.

Ngoài ra, Quảng Nam còn nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến việc giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp, phát triển du lịch, chương trình OCOP, trồng dược liệu dưới tán rừng, về hoạt động xã hội hóa, đầu tư hạ tầng giao thông…

Xem đầu tư công là động lực thúc đẩy tăng trưởng

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh báo cáo các vấn đề liên quan đến giải ngân đầu tư công; công tác tinh giảm biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính...

 
 Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa báo cáo các nội dung liên quan đến ngành nội vụ. Ảnh: VINH ANH

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt đoàn công tác tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành. Đồng thời đánh giá cao những kết quả nổi bật trong năm 2022 và chia sẻ với khó khăn mà tỉnh phải đối mặt trong 4 tháng đầu năm 2023. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trước bối cảnh thế giới, trong nước diễn biến khó lường, Quảng Nam cần hết sức tỉnh táo để phân tích, đánh giá tình hình, bối cảnh và những yếu tố tác động đến địa bàn tỉnh một cách khoa học và toàn diện để có giải pháp ứng phó tốt.

 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VINH ANH 

Công nghiệp, dịch vụ là động lực lớn với nền kinh tế của Quảng Nam, tuy nhiên công nghiệp đang trong tình trạng sụt giảm mạnh, nếu không có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì sẽ là điểm nghẽn lớn cho tăng trưởng năm 2023.

Theo Bộ trưởng, tỉnh cần thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp giải quyết các khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giao trách nhiệm cho người đứng đầu chịu trách nhiệm với những ngành, lĩnh vực tạo động lực cho phát triển, chẳng hạn như du lịch, thị trường lao động...

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý tỉnh cần tập trung quyết liệt cho đầu tư công, coi đây là động lực và nguồn lực lớn, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

 
 Sáng 11/5, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đến thăm, làm việc tại Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam tại KCN Tam Thăng. Ảnh: VINH ANH

"Kinh nghiệm thực tiễn của tôi khi chỉ đạo giải ngân xây dựng cơ bản và giải phóng mặt bằng thì phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thành viên bao gồm Mặt trận, các đoàn thể đến các cơ quan hành chính có liên quan, đặc biệt là bí thư và chủ tịch huyện cùng vào cuộc, giao nhiệm vụ, giao ban hàng tuần… mới giải quyết vướng mắc rất nhanh" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.  

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết; không được “đẻ thêm giấy phép con” gây cản trở phát triển. Đồng thời tăng cường phân cấp và ủy quyền cho các địa phương, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, đi cùng với kiểm soát và chấn chỉnh tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm.

 
 Nhân chuyến làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tặng quà lưu niệm cho UBND tỉnh. Ảnh: VINH ANH

"Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bây giờ, Ủy ban Kiểm tra khi đến kiểm tra thì cứ theo quy định, quy chế làm việc mà soi vào. Khi soi vào thì sai, đã sai thì vi phạm quy định…, cho nên khó để bảo vệ cán bộ.

Do đó, muốn bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm thì phải có hành lang pháp lý, muốn có hành lang pháp lý thì phải thông qua Quốc hội"

(Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà)

[VIDEO] - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu về tăng cường phân cấp, ủy quyền; chấn chỉnh tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm:

Trung ương cần lập tổ công tác giải quyết chồng lấn địa giới hành chính

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đã kiến nghị với đoàn công tác một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum. Theo đồng chí Phan Việt Cường, diện tích chồng lấn giữa 2 tỉnh khoảng 6.000ha tại huyện Nam Trà My. Tại đây, Quảng Nam có 238 hộ dân với 1.034 khẩu đang ở trên đất Kon Tum. Điều này gây khó khăn trong đầu tư công và thực hiện các chủ trương, chính sách đến người dân. Việc chồng lấn địa giới kéo dài hàng chục năm nay nhưng chưa thể giải quyết. Do đó, Quảng Nam kiến nghị trung ương thành lập tổ công tác để giúp 2 tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng này.


(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc tại Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO