Chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh (khóa X): Dành nhiều sự quan tâm cho miền núi

N.ĐOAN - X.PHÚ 20/07/2022 06:42

Nhận diện về những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi, giải pháp để nâng cao thu nhập, tổ chức sản xuất; hay chất lượng dạy học, thực trạng thiếu giáo viên miền núi là những vấn đề được HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp lần này, với mong muốn làm sao để đưa miền núi phát triển, chăm lo tốt hơn đời sống của người dân.

Đời sống của người dân miền núi còn khó khăn nên rất khó đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: H.QUANG
Đời sống của người dân miền núi còn khó khăn nên rất khó đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: H.QUANG

Nhiều bất cập trong xây dựng nông thôn mới

Trả lời chất vấn nội dung theo lĩnh vực phụ trách, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận bất cập, khó khăn đối với thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) ở miền núi là ở các tiêu chí: Số 10 về thu nhập, số 11 về nghèo đa chiều, số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Ông Tích cho biết, tiêu chí số 10 về thu nhập và số 11 về hộ nghèo đa chiều rất khó thực hiện (bình quân hiện nay thu nhập các xã mới đạt khoảng dưới 25 triệu đồng, nhưng để đạt chuẩn NTM vào năm 2025 thì xã phải đạt 48 triệu đồng (nếu ở xã đặc biệt khó khăn) hoặc 53 triệu đồng (ở xã miền núi còn lại). Như vậy bình quân thu nhập tăng 6 - 7 triệu đồng/năm, gấp 2 lần mức tăng cơ học của tiêu chí thu nhập là hằng năm tăng 3 triệu đồng/người/năm.

Theo tiêu chí nghèo đa chiều, hiện nay các xã miền núi đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo bình quân 50 - 60%, nếu giảm còn 10 - 12% thì mỗi năm phải giảm 10%, rất khó đối với xã miền núi cao.

Mặt khác, các xã miền núi đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM thì sẽ bị thôi hưởng các chế độ chính sách (như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo, tiền học cho học sinh, sinh viên, cán bộ mất chế độ thu hút, ưu đãi theo nghề …) nên người dân không mặn mà khi tham gia xây dựng NTM.

Trả lời về giải pháp thực hiện tiêu chí 10 và 11 trong thời gian tới, ông Tích cho rằng tỉnh chỉ đạo các huyện, xã miền núi tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả 11 nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại Quyết định số 263 ngày 22.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án, chương trình chuyên đề do Trung ương phê duyệt cho phù hợp với tình hình địa phương để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, chú trọng chỉ đạo lồng ghép hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh ban hành và nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc để đầu tư miền núi thực hiện xây dựng NTM…

Xóa phòng học tạm và thu hút giáo viên

Đánh giá chất lượng giáo dục của tỉnh theo chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT phân tích số liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT và chất lượng mũi nhọn qua kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia của Quảng Nam qua các năm để đại biểu nhận xét.

Ông Tường nhận định, chất lượng giáo dục Quảng Nam trong những năm qua cơ bản ổn định, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì, xấp xỉ mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc, luôn ở tốp đầu các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đạt được trong những năm qua chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng đất có truyền thống hiếu học và học giỏi của người Quảng Nam. 

Về câu hỏi còn bao nhiêu trường công tạm bợ, ông Thái Viết Tường cho biết, số phòng học tạm chỉ còn có ở các huyện miền núi. Theo đó, đến nay còn 44 phòng học tạm của 17 trường (trong đó 10 trường mầm non và 7 trường tiểu học), chủ yếu tại các điểm trường lẻ.

Để xóa phòng học tạm, ông Tường cho biết, Sở GD-ĐT phối hợp với UBND các huyện miền núi tổ chức khảo sát, sắp xếp, bố trí lại các trường, điểm trường, nhất là các điểm trường nhỏ lẻ một cách hợp lý.

Trên cơ sở đó, UBND các huyện xây dựng các dự án, tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa xóa các phòng học tạm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Ông Tường cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh và các huyện miền núi ưu tiên nguồn lực để tập trung xóa phòng học tạm ở các địa phương, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, ông Tường thừa nhận hiện nay ngành thiếu 2.500 giáo viên, chủ yếu ở miền núi.

Trước mắt rà soát lại đội ngũ, bố trí hợp lý nhất có thể, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thi tuyển và nên tổ chức thi tuyển theo địa phương như đăng ký của Nam Trà My, Điện Bàn.

Tỉnh tổ chức thi tuyển mà không đủ thì phải cho ký hợp đồng giảng dạy. Đó là trước mắt, còn về lâu dài sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thu hút giáo viên công tác ở miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh (khóa X): Dành nhiều sự quan tâm cho miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO