Chiến thắng Đồng Dương: Bài học lịch sử quý giá

NGUYỄN QUANG VIỆT 26/11/2014 09:07

Hôm qua 25.11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội thảo “Chiến thắng Đồng Dương - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”. Hội thảo đã nêu bật quá trình chuẩn bị, diễn biến, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình).

Quang cảnh hội thảo “Chiến thắng Đồng Dương - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: QUANG VIỆT
Quang cảnh hội thảo “Chiến thắng Đồng Dương - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: QUANG VIỆT

Chiến thắng quan trọng

Từ ngày 16.11.1965 đến ngày 9.12.1965, quân và dân ta mở chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương nhằm tiêu diệt chi khu - quận lỵ Hiệp Đức và đồn Việt An, buộc địch phải đưa quân chủ lực ngụy lên tiếp viện. Đây là cơ hội để quân và dân ta tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch trên trục đường 16, 105, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của chúng. Sau khi chi khu - quận lỵ Hiệp Đức bị quân ta tiêu diệt (17.11), đồn Việt An bị bao vây đồng thời quận lỵ Quế Sơn, Thăng Bình bị uy hiếp, ngày 6.12.1965 địch buộc phải tổ chức một chiến đoàn mở cuộc hành quân giải tỏa theo hướng Hà Lam - Việt An trên trục đường 16. Khi quân địch đang hành quân, ngày 7.12.1965, Bộ chỉ huy chiến dịch của ta tập trung lực lượng tổ chức tập kích tiêu diệt địch. Trận đánh diễn ra từ sáng đến trưa với thắng lợi thuộc về quân và dân ta. Ngay sau đó, Sư đoàn 2, Quân khu 5 tiếp tục vận động đánh địch phản kích trong suốt ngày 9.12.1965, đánh bại cuộc hành quân “liên kết 118” của Mỹ ngụy. Sau 2 ngày tác chiến liên tục, quân và dân ta đã tiêu diệt chiến đoàn 5 của ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 772 tên địch, bắt sống 53 tên, thu 208 súng các loại, bắn rơi 4 trực thăng và bắn bị thương 2 phản lực.

Đại tá Trần Như Tiếp - nguyên Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn 60, Sư đoàn 2 - đơn vị trực tiếp tham gia trận đánh Đồng Dương khẳng định, ý nghĩa của chiến dịch là vô cùng to lớn, tạo nên chuyển biến mới trong thế tiến công địch. Từ đây, ta tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giải phóng nông thôn, xây dựng và củng cố phong trào chiến tranh du kích, phá thế kìm kẹp của địch. Ngoài ra, ta cũng đã diệt tề, giải phóng hàng vạn dân, tăng thêm sức người, sức của cho cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của kẻ thù. Ông Trần Văn Cận - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chiến thắng Đồng Dương là kết tinh của tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song của cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 2 (Quân khu 5) với những nỗ lực lớn lao của Đảng bộ và nhân dân huyện Thăng Bình trong công tác chuẩn bị lực lượng, đảm bảo hậu cần, giữ bí mật. “Hình ảnh những người mẹ, người chị ở Đồng Dương không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng tiếp tế lương thực, cùng quân y tải thương, cứu thương, đào và nhường hầm bí mật để bộ đội trú quân trước giờ ra trận đã trở thành những câu chuyện sinh động cho tình đoàn kết quân dân. Đây là nguyên nhân quyết định cho thắng lợi, không chỉ trong chiến thắng Đồng Dương mà cả các cuộc chiến đấu gian khó sau này” - ông Trần Văn Cận nói.

Bài học lớn

Về những bài học rút ra từ chiến thắng Đồng Dương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đỗ Châu Sa - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70 trực tiếp tham gia chiến dịch nhấn mạnh: “Bài học đầu tiên, muốn thắng kẻ thù phải có yếu tố bất ngờ. Khi ta tập kích, kẻ thù không hề hay biết để chủ động đối phó. Thứ hai, ta đã chuẩn bị nhiều phương án, kế sách để đánh địch giành thắng lợi. Thứ ba, phải có tinh thần quyết chiến quyết thắng cao độ. Lực lượng chiến đấu của ta trong chiến dịch này có quyết tâm lớn, sẵn sàng vượt khó, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để tìm mọi kế sách phù hợp đánh thắng kẻ thù”. Đại úy Nguyễn Ngọc Hoàng Vinh - Ban tổng kết Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị Cục Chính trị (Quân khu 5) cho rằng, dấu ấn lớn trong chiến thắng Đồng Dương là sự góp sức của lực lượng địa phương. Các đội du kích địa phương lúc ẩn, lúc hiện, liên tục quần thảo, tập kích, phục kích kẻ thù làm tiêu hao lớn sinh lực địch. Hệ thống làng xã chiến đấu được xây dựng vững chắc đã phát huy hiệu quả ở các xã Bình Định, Bình Lãnh… “Tiêu biểu như ở Bình Định, toàn xã có đến 1.500 hầm trú ẩn, 7 nghìn mét giao thông hào, hàng trăm hầm bí mật, 2.500 công sự chiến đấu liên hoàn đã tạo thuận lợi lớn cho lực lượng vũ trang chủ lực của Sư đoàn 2 triển khai đánh địch. Lực lượng của huyện Thăng Bình cũng đã tiêu diệt nhiều Mỹ ngụy, bắn cháy nhiều xe tăng, bắn rơi nhiều máy bay địch. Bài học lớn về phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân là nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng” - Đại úy Nguyễn Ngọc Hoàng Vinh nói.

Ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình khẳng định tầm quan trọng của chiến thắng Đồng Dương với nhiều bài học lớn để lại. Đó là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng, giữa các cánh quân, giữa bộ đội chủ lực và bộ đội, dân quân du kích địa phương; bài học về nghệ thuật chiến tranh nhân dân “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, vũ khí thô sơ đánh với vũ khí hiện đại”. “Muốn chiến thắng kẻ thù cần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Cùng với đó là nghệ thuật chỉ huy linh hoạt, sáng tạo, vận dụng cách đánh phù hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ” - ông Phan Nghĩa nói. Kết luận hội thảo, TS. Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Chiến thắng Đồng Dương để lại bài học quý là phải chuẩn bị chiến trường, nghiên cứu kỹ về tình hình của địch, tạo thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi. Khi chiến đấu cần dũng cảm, thông minh, sáng tạo để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Chiến thắng Đồng Dương cũng để lại bài học về sự phối hợp bài bản các kỹ thuật tác chiến gồm bao vây, vu hồi, đánh tạt sườn, bọc hậu, tập kích”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến thắng Đồng Dương: Bài học lịch sử quý giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO