Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết

VIỆT NGUYỄN 13/01/2020 10:03

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương cần đồng bộ vào cuộc bằng nhiều giải pháp thiết thực để bảo vệ quyền cơ bản của người tiêu dùng là được tiếp cận những sản phẩm, hàng hóa đảm bảo ATTP.

Ngành chức năng phát hiện kinh doanh chả không đảm bảo ATTP ở chợ Nam Phước (Duy Xuyên). Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành chức năng phát hiện kinh doanh chả không đảm bảo ATTP ở chợ Nam Phước (Duy Xuyên). Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều nỗi lo

Cũng như 62 tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương, Quảng Nam tồn tại nhiều hạn chế về kiểm soát ATTP.

Trong năm 2019, tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn tỉnh là 812 đoàn, trong đó, tuyến tỉnh là 33 đoàn, tuyến huyện là 59 đoàn, tuyến xã, thị trấn tổ chức 720 đoàn. Số cơ sở vi phạm ATTP là 1.921, trong đó 146 cơ sở bị xử lý. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP là gần 455 triệu đồng.

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cả nước cần nỗ lực nhiều hơn và liên tục với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân để hàng hóa thực phẩm trong nước có chất lượng như hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức, chung tay bảo đảm ATTP cũng như mạnh mẽ đấu tranh với các hành vi vi phạm ATTP.

Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế), hàng hóa thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm nước ngoài không có nhãn phụ, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tồn tại trên thị trường địa bàn tỉnh.

“Rất nhiều cơ sở vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo ATTP trong bảo quản thực phẩm. Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP. Thiết bị, dụng cụ để chế biến thực phẩm của nhiều cơ sở không đảm bảo vệ sinh. Các tiêu chuẩn sức khỏe của người chế biến thực phẩm và quy định về thực hành thực phẩm của nhiều cơ sở cũng không đảm bảo” - ông Nguyễn Cam nói.  

Đáng báo động là trong năm qua, tình hình về ngộ độc thực phẩm vẫn còn phức tạp. Ở Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), ngộ độc thực phẩm đã xảy ra với 18 em học sinh, may mắn là không gây chết người.

Theo ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT, các cơ quan chức năng đã lấy 253 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, kết quả là nhiều mẫu không đạt. Cụ thể, có 4 mẫu rau nhiễm kim loại nặng vượt giới hạn. Có 6 mẫu chả cá, bò, heo nhiễm Natri Benzoate.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhiều mẫu rượu, nước uống đóng chai qua kiểm tra trên thị trường tỉnh đã không đảm bảo ATTP với các chỉ tiêu hóa, lý, vi sinh gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Theo UBND tỉnh, quản lý ATTP trên địa bàn còn tồn tại nhiều khó khăn. Theo đó, nguồn nhân lực ở các tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Năng lực kiểm nghiệm ATTP ở tỉnh còn bất cập, khiếm khuyết như Phòng Kiểm nghiệm ATTP của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh chưa được chỉ định kiểm nghiệm, chưa được công nhận ISO 17025.

Đối với các cơ sở vi phạm ATTP, chỉ nhắc nhở là chính, chưa xử phạt đủ răn đe. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm còn nhỏ lẻ, quy mô nhỏ nên đầu tư kém cho ATTP. 

Bảo vệ người dùng

Trước những hạn chế về ATTP trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã đề xuất với UBND tỉnh có chính sách tăng cường nguồn nhân lực, giúp các cơ quan, địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý ATTP, nhất là tuyến huyện, tuyến xã. Cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý ATTP còn yếu nên tỉnh cần đầu tư thêm các yếu tố vật chất, kỹ thuật, máy móc, thiết bị để tỉnh tự kiểm nghiệm thực phẩm thay vì phải gửi mẫu ra TP.Đà Nẵng để xét nghiệm, kiểm nghiệm, vừa tốn kém vừa mất nhiều thời gian.

“UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, các hội, đoàn thể một mặt chủ động quản lý ATTP theo phân cấp, mặt khác phối hợp chặt chẽ lẫn nhau để tránh chồng chéo, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP” - ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, hoạt động quản lý ATTP của các bộ, ngành còn chưa thống nhất vào thời điểm này. Cụ thể, Bộ Y tế đã bỏ ký cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; trong khi đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương vẫn duy trì. Do đó, nên chăng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất quản lý ATTP giữa các cơ quan chức năng. Có vậy, sẽ thuận lợi cho yêu cầu cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như tránh lúng túng quản lý ở các tỉnh, thành phố cũng như ở cơ sở.

“Hiện tại, có không ít sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, mong Bộ Y tế sớm ban hành. Các bộ, ngành cũng cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý ATTP, giúp công tác thanh tra chuyên ngành ATTP cấp tỉnh được thuận lợi, hiệu quả hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sức khỏe con người là quan trọng nhất, vì thế lĩnh vực quản lý ATTP cần được các bộ, ngành, các địa phương chú tâm triển khai, bảo vệ người tiêu dùng. Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, hàng giả, hàng lậu càng được vận chuyển, buôn bán phức tạp nên các cơ quan cần kiểm tra, xử lý, ngăn chặn, nhất là thuốc nam, thuốc bắc, thức uống, các hàng hóa thực phẩm thiết yếu.

“Cùng với đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý để chấn chỉnh sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân, các cơ sở, doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của ATTP. Các mô hình sản xuất sạch, nông nghiệp sạch, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chất lượng, theo chuỗi an toàn cần được khuyến khích, nhân rộng, lan tỏa trong các thành phần kinh tế, cộng đồng” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO