Đánh giá tác động của chính sách đến kết quả giảm nghèo

N.ĐOAN 06/07/2022 16:04

(QNO) - Đánh giá về việc thực hiện các chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) cho thấy, kết quả giảm nghèo của Quảng Nam trong từng giai đoạn đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy điều hành phiên thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 (khóa XXII). Ảnh: N.Đ
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy điều hành phiên thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 (khóa XXII). Ảnh: N.Đ

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở khu vực miền núi chậm và thiếu bền vững. Đây là một trong những nội dung dành nhiều sự quan tâm thảo luận của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 (khóa XXII) diễn ra sáng nay 6.7.

Tăng tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới

Sở LĐ-TB&XH cho biết, thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương và của Quảng Nam đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh từ 40,85% năm 2015 xuống còn 15,26% cuối năm 2021. Bình quân mỗi năm giảm được 4,26% hộ nghèo.

Còn qua kết quả tổng rà soát hộ nghèo cuối năm 2021 của chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022  -2025 quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27.1.2021 của Chính phủ, 9 huyện miền núi có 26.681 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,95%. Riêng 6 huyện miền núi cao có 24.105 hộ, chiếm 52,24%.

Đại biểu thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 (khóa XXII). Ảnh: N.Đ
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 (khóa XXII). Ảnh: N.Đ

Bà Trương Thị Lộc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, kết quả giảm nghèo ở khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS chưa bền vững. Tỷ lệ tái nghèo còn xảy ra. Đời sống của người dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS vẫn còn rất khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, kiến thức sản xuất còn nhiều hạn chế...

Vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân và chính quyền địa phương không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách. Vai trò của chính quyền và các hội, Mặt trận, đoàn thể ở một số địa phương, cơ sở chưa thực sự là chỗ dựa cho hộ nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS thời gian qua rất lớn. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo còn rất cao so với bình quân chung của cả nước.

Theo ông Tuấn, một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội đầu tư nhỏ lẻ, phân tán hoặc quá tập trung, còn chồng chéo về địa bàn và đối tượng thụ hưởng, việc tổ chức thực hiện còn chậm. Nhiều chính sách hỗ trợ mang tính “cho không”; từ đó tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiến nghị, Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng tích hợp theo ngành, lĩnh vực để thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá và kiểm tra giám sát tại địa phương, nhất là cơ sở. Hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút đầu tư, tăng cường liên kết và bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS, huyện nghèo, xã nghèo.

Thay đổi tư duy hỗ trợ

Ông Lê Văn Hường – Bí thư Huyện ủy Nam Giang kiến nghị tỉnh quan tâm ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ở miền núi, sử dụng lao động phổ thông nhiều để giải quyết việc làm. Để đáp ứng yêu cầu về trình độ lao động của doanh nghiệp, việc đào tạo nghề cho người lao động miền núi cần chú trọng đến chất lượng đào tạo để người lao động làm được việc, chứ không nên mở các lớp ngắn hạn.

Cũng theo ông Hường, việc hỗ trợ của Nhà nước không nên theo kiểu cũ là hỗ trợ trực tiếp cho người dân, như cho cây trồng, con giống. Vì thực tế cho thấy cách hỗ trợ này kém hiệu quả. Như năm trước huyện hỗ trợ cho một hộ gia đình 100 con gà giống, giúp làm chuồng chăn nuôi. Năm nay lên kiểm tra thì chẳng còn gì cả (!?).

“Thay vì hỗ trợ trực tiếp đại trà như kiểu cũ thì chúng tôi hình thành các nhóm lao động và hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất cây trồng, con vật nuôi. Và bước đầu đã phát huy tính hiệu quả” – Bí thư Huyện ủy Nam Giang Lê Văn Hường chia sẻ.

Theo đánh giá kết quả giảm nghèo ở khu vực miền núi chậm và thiếu bền vững. Ảnh: N.Đ
Theo đánh giá kết quả giảm nghèo ở khu vực miền núi chậm và thiếu bền vững. Ảnh: N.Đ

Hiện nay, có 95 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận kết nghĩa với 67 xã miền núi; 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh - cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh điều hành, điều phối công tác kết nghĩa cho biết, 20 năm (2001 - 2021), các đơn vị kết nghĩa đã có những hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả cả về vật chất, tinh thần đối với địa phương được phân công nhận kết nghĩa, với tổng giá trị hơn 155 tỷ đồng.

Song hiệu quả đầu tư hỗ trợ, nhất là cho phát triển kinh tế, xã hội đạt thấp, chủ yếu hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà vào dịp tết, ngày lễ... Điều này về lâu dài sẽ tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại, làm suy giảm mục đích, ý nghĩa bền vững của công tác kết nghĩa.

Ông A Lăng Mai – Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cần có sự đánh giá, bố trí lại các địa phương kết nghĩa với nhau cho hiệu quả, để các hoạt động kết nghĩa đảm bảo thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa lâu dài, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Cùng với đó, nguồn lực thực hiện cần tập trung ưu tiên vào nhóm hỗ trợ phát triển kinh tế bằng các mô hình, giúp hộ, nhóm hộ tự lực vươn lên, với phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”, khắc phục cho được tư tưởng trông chờ ỷ lại, khơi dậy tinh thần, động lực vượt khó khăn, hăng say lao động của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và có cơ chế phù hợp nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách chủ động, vươn lên trong cuộc sống. Tập trung phối hợp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả trong triển khai thực hiện các vấn đề về chính sách xã hội, làm tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đồng chí Phan Việt Cường cho rằng, Quảng Nam thu ngân sách cao, điều tiết về Trung ương, nhưng đời sống người dân, nhất là người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn thì cũng không có ý nghĩa. Vì vậy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc với quyết tâm cải thiện ngày càng tốt hơn mức sống của người dân…  

Phát biểu kết luận Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 (khóa XXII), Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, khối lượng công việc từ nay đến cuối năm 2022 là rất lớn, đòi hỏi toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh phải nỗ lực hết mình, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022. 

Trong đó, tập trung chuẩn bị tốt công tác kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27.7). Tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án; nhất là các tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư ở các dự án trọng điểm. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kiên quyết điều chuyến vốn đối với những dự án không triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh giá tác động của chính sách đến kết quả giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO