Đề xuất chế tài xử lý trách nhiệm trong giao dịch bất động sản không đúng thực tế

VĂN HIẾU 01/11/2022 04:33

(QNO) - Hôm nay 31/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh:
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh: V.HIẾU

Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam) thống nhất cao với báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” của Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày.

Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng, bao quát tất cả ngành, lĩnh vực trên cả nước. Qua báo cáo đã chỉ ra được các tồn tại, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới. Đặc biệt, qua công tác giám sát, nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực thi chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được nâng lên.

Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác giám sát tại địa phương và qua xem xét báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sát thực tiễn và tăng chế tài xử lý, đảm bảo thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho biết, tình trạng kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng và kê khai nghĩa vụ nộp thuế thấp hơn so với thực tế giao dịch, mua bán nhà đất “hai giá” vẫn diễn ra khá phổ biến, làm thất thu thuế nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm các tổ chức công chứng, tập thể, cá nhân trong việc kê khai giá mua bán bất động sản không đúng thực tế, gây thất thu ngân sách nhà nước, như: thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức công chứng; tịch thu bất động sản đối với tập thể, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính; xử lý hình sự nếu gây thất thoát lớn...

.
Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam tại phiên họp ngày 31/10. Ảnh: V.HIẾU

Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, qua giám sát cho thấy việc sáp nhập các chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực giúp giảm đầu mối lãnh đạo, sắp xếp lại bộ máy, chuyên môn hóa các hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại các chi cục thuế khu vực vẫn hoạt động tương đối độc lập (1 trụ sở làm việc chính và từ 1-2 bộ phận một cửa mỗi huyện); số lượng cấp phó của các chi cục quá ít (không quá 2 cấp phó), không đảm bảo giải quyết công việc cho công dân…

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi nâng số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuế thuộc cục thuế không quá 2,5 cấp phó (tính chung cho toàn cục thuế), nhằm đảm bảo kịp thời giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép duy trì bộ phận một cửa tại địa phương không phải nơi đặt trụ sở chính của chi cục thuế khu vực như hiện nay nhằm tạo điều kiện cho người dân chưa đủ điều kiện hoặc không muốn thực hiện các thủ tục trên môi trường điện tử thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế.

Đối với cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn hiện nay quá thấp, gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Đối với nguồn kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước thì được trích một phần để chi khen thưởng, khuyến khích, động viên cán bộ, công chức của cơ quan thanh tra. Trong khi đó, qua công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan ủy ban kiểm tra đảng các cấp và công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, thẩm tra hồ sơ dự án đầu tư của các đơn vị tài chính, xây dựng… cũng góp phần tiết kiệm kinh phí chi ngân sách nhà nước lớn nhưng lại không có quy định trích nguồn kinh phí để chi khen thưởng như các cơ quan thanh tra. Từ thực tiễn này, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị Bộ Tài chính xem xét có quy định về tỷ lệ trích lại một phần kinh phí cho các cơ quan trên như cơ quan thanh tra nhà nước.

Đại biểu cũng đề nghị Tổng cục Thuế và ngành đất đai nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu trữ hồ sơ đất đai, hồ sơ trước bạ, tiến dần đến việc bỏ lưu trữ hồ sơ bằng giấy tránh làm tốn nhiều diện tích dùng để lưu trữ, nguy cơ rủi ro cao… Bên cạnh đó phải tổ chức rà soát, sắp xếp lại toàn bộ nhà đất, trụ sở làm việc thuộc phạm vi ngành quản lý, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, phù hợp với công năng sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất chế tài xử lý trách nhiệm trong giao dịch bất động sản không đúng thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO