Đề xuất xử phạt đến 300 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả

NGUYÊN ĐOAN 22/10/2020 15:43

(QNO) - Sáng nay 22.10, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình phát biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: N.Đ
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: N.Đ

Tham gia phát biểu thảo luận tại điểm a, khoản 10, Điều 1 của dự thảo luật, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị sửa đổi, nâng mức xử phạt tiền tối đa từ 200 triệu đồng lên đến 300 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả nhằm tăng tính răn đe, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Qua các cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cử tri có ý kiến rất nhiều khi cho rằng mức xử phạt đối với các hành vi nêu trên chưa đủ sức răn đe” - ông Bình nói.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 76 (khoản 36, Điều 1 dự thảo luật), đại biểu Phan Thái Bình cho rằng cần bổ sung điều kiện cá nhân “thuộc diện hộ nghèo” và diện được hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Còn đối với việc sửa đổi, bổ sung điểm b, Điều 77 (khoản 37, Điều 1 dự thảo luật), đại biểu Phan Thái Bình đề nghị dùng cụm từ “khó khăn về kinh tế” thay cho cụm từ gặp “khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế”.

Theo đó, viết lại như sau: “Cá nhân bị phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên, đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, gia đình có kinh tế thuộc diện hộ nghèo và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên”.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 4, Điều 126 (điểm b, khoản 60, Điều 1 dự thảo luật), đại biểu Phan Thái Bình đề nghị xem xét quy định rút ngắn thời hạn từ 1 năm xuống còn 6 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo ông Bình, việc quy định thời hạn một năm như dự thảo là quá dài, vì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải tổ chức trông coi, bảo quản tang vật, phương tiện trong một thời gian dài. Bên cạnh đó nhiều đơn vị không có nơi tạm giữ, không có kho bảo quản tang vật, phương tiện đúng tiêu chuẩn vì vậy nhiều trường hợp không đảm bảo an toàn, sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản, môi trường, con người...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất xử phạt đến 300 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO