Di tích Chiến thắng Núi Thành: Chờ đợi đầu tư xứng tầm

THÀNH CÔNG 12/04/2021 08:12

Trải qua nhiều năm tháng, di tích Chiến thắng Núi Thành vẫn chưa được nâng cấp, đầu tư đúng tầm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra hiện trạng di tích tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Ảnh: T.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra hiện trạng di tích tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Ảnh: T.C

Loay hoay hiện trạng

Xây dựng từ năm 1984, đến nay đã trải qua 3 lần tu bổ, sửa chữa, công trình tượng đài Chiến thắng Núi Thành quy mô vẫn khá khiêm tốn, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng như hệ thống cấp thoát nước, cấp điện. Gạch ốp tượng đài bị bong tróc nhiều vị trí, công trình phụ trợ phục vụ cho khu di tích, nhất là ở khu vực đồi 49, đồi Yên Ngựa gần như không có gì ngoài hai tấm bia di tích.

Hệ thống giao thông dẫn đến khu di tích, bên cạnh đường đi bộ bằng bậc tam cấp lên tượng đài, tuyến đường còn lại băng qua khu khai thác đá Chu Lai đổ đá bụi, cây cối um tùm, rất khó lưu thông. Ngoài ra, các hạng mục nhà tiếp khách, nhà bảo vệ đã xuống cấp, hư hại. Đáng lo ngại nhất là tình trạng khai thác đá ngay bên cạnh lối vào ảnh hưởng khá nhiều đến di tích lịch sử ý nghĩa này.

Theo ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, di tích Chiến thắng Núi Thành có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, do đó việc lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát huy giá trị di tích này hết sức cần thiết. Trong đó, khu vực tượng đài Chiến thắng Núi Thành có diện tích khoảng hơn 10.000m2, do UBND xã Tam Nghĩa quản lý. Khu vực đồi Yên Ngựa, đồi 49 đã được Phòng VH-TT huyện phối hợp với UBND xã Tam Nghĩa khoanh vùng, cắm 97 cột mốc với tổng diện tích hơn 979.000m2. Năm 2020 địa phương đã phối hợp với Ban quản lý Di tích và danh thắng xác lập hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt trong đó khoanh vùng bảo vệ khu vực 1 hơn 10.000m2 và khu vực 2 hơn 149.000m2 .

“Huyện đề xuất lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Núi Thành và đầu tư tu bổ, tôn tạo khu tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Trong đó, tại khu vực đồi Yên Ngựa và đồi 49 sẽ thu hồi, khoanh vùng bảo vệ, đặt mốc ranh giới, xây bia di tích và trồng cây xanh, tôn tạo cảnh quan cũng như mở đường nội bộ, bãi đỗ xe vào khu vực này. UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo di dời mỏ đá Chu Lai để tạo không gian, phát huy giá trị của di tích Chiến thắng Núi Thành” - ông Sinh thông tin.

Khẩn trương quy hoạch tổng thể

Tôn tạo, đầu tư xứng tầm với di tích Chiến thắng Núi Thành cũng là mong mỏi của nhiều cử tri, được đại diện chính quyền xã Tam Nghĩa kiến nghị tại buổi làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh mới đây. Theo ông Nguyễn Thành Đạt - Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa, cử tri sống gần tượng đài Chiến thắng Núi Thành nhiều lần đề nghị chính quyền có biện pháp di dời mỏ đá, đồng thời làm đường bê tông vào đồi 49, đồi Yên Ngựa.

“Di tích này ở địa bàn xã Tam Nghĩa, song có ý nghĩa với cả cư dân Tam Mỹ Đông và Tam Nghĩa, người dân rất mong mỏi có sự đầu tư xứng tầm, vừa tạo được điểm nhấn của địa phương vừa phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất” - ông Đạt nói.

Ông Trương Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Tượng đài xây dựng đã lâu, ứng xử với di tích có phần còn chưa xứng tầm do các hạng mục đã xuống cấp. Về chương trình đầu tư mới, cần chú ý hơn đến khu vực đồi Yên Ngựa (đồi 50), đồi 49, nơi xảy ra trận đầu đánh thắng Mỹ. Đặc biệt, ở khu vực này có nhiều cảnh quan xung quanh khá đẹp, nhất là khu rừng dừa nước, về tương lai sẽ là động lực để phát triển hài hòa về nhiều mặt, định hình thành một khu di tích kết hợp khai thác du lịch sinh thái lân cận”.

Kiểm tra thực tế tại khu vực tượng đài Chiến thắng Núi Thành và đồi Yên Ngựa, đồi 49, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, trước mắt, huyện Núi Thành phải khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể làm cơ sở đề xuất chủ trương đầu tư trùng tu, tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị di tích. Việc này phải hoàn thành trước khi Bộ VH-TT&DL công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

“UBND tỉnh đã thống nhất đầu tư công trình này qua nhiều văn bản chỉ đạo trước đó. Địa phương cần rà soát các hạng mục để điều chỉnh, khoanh vùng bảo vệ phù hợp, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng tại đồi 49, đồi 50. Liên quan đến việc di dời mỏ đá Chu Lai, Huyện ủy, UBND huyện cũng nên làm việc với chủ mỏ đá, kiến nghị chính thức với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo, tránh ảnh hưởng đến di tích” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di tích Chiến thắng Núi Thành: Chờ đợi đầu tư xứng tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO