Đổi mới tư duy, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

NGUYÊN ĐOAN 03/01/2020 16:56

(QNO) - Sáng nay 3.1, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên trực tuyến toàn quốc tháng 1.2020 và quán triệt Nghị quyết số 52 ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại điểm cầu tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở ngành dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.Đ

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương quán triệt Nghị quyết 52. Phân tích về tình hình và nguyên nhân được nêu trong Nghị quyết 52, theo ông Cao Đức Phát, Bộ Chính trị nhận định cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Chính trị đánh giá, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Phân tích về quan điểm và mục tiêu của Nghị quyết 52, ông Cao Đức Phát cho biết, Bộ Chính trị xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm... Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Duy trì chỉ số GII thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm...

Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh.

Nêu rõ 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng cuộc nghiệp lần thứ tư của Nghị quyết 52, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội được Bộ Chính trị xác định là yêu cầu đặt ra hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi mới tư duy, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO