Giữ rừng để làm giàu từ rừng

ALĂNG NGƯỚC 16/12/2019 10:46

Tại buổi đối thoại với người dân miền núi, bên cạnh chia sẻ với khó khăn của đồng bào, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường dành phần lớn thời gian để nói về vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương, trong đó nhấn mạnh đến việc phải giữ rừng để làm giàu từ rừng trong cộng đồng miền núi.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trả lời những kiến nghị của đồng bào Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trả lời những kiến nghị của đồng bào Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cuộc đối thoại diễn ra vào cuối tuần qua, tại UBND xã Tà Bhing (huyện Nam Giang) thu hút rất đông đồng bào miền núi tham dự.

Phải hưởng lợi từ rừng

Chia sẻ tại buổi đối thoại, già làng Zơrâm Năng (ở thôn Pà Ia, xã Tà Bhing) cho rằng, lâu nay cuộc sống của đồng bào miền núi đều dựa vào rừng, xem rừng là nguồn sống. Bày tỏ niềm vui khi thời gian gần đây, công tác giữ rừng được cộng đồng quan tâm, già Năng nói, chính quyền các cấp cần phải quan tâm hơn nữa để rừng tự nhiên không còn bị xâm hại, đảm bảo môi trường sinh thái.

“Miền núi chúng tôi nếu không sống dựa vào rừng thì rất khó khăn. Nhưng một số gia đình lại không có đất để canh tác. Vì thế, bên cạnh tạo điều kiện để người dân trồng rừng, có đất sản xuất, Nhà nước cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ để người dân được hưởng lợi trực tiếp từ rừng” - già Năng nói.

 

Ông Tơ Ngôl Kía - Chủ tịch UBND xã Tà Pơ cho biết, từ Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, hiện nay nhu cầu làm nhà của người dân rất lớn, nhưng gặp khó khăn từ chủ trương “đóng cửa rừng”. Đây là điều người dân lo lắng, khi chưa tìm được nguyên vật liệu thay thế phù hợp.

Bên cạnh kiến nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho con em người địa phương tham gia trong bộ máy quản lý, bảo vệ rừng, ông Kía kiến nghị cần có chính sách đặc thù cho người dân miền núi trong việc dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Đồng thời việc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất phải đảm bảo với điều kiện thực tế, nhằm tránh trường hợp chồng lấn với đất sản xuất của người dân.

Chủ tịch UBND xã Cà Dy - ông Doãn Bing bày tỏ bức xúc liên quan việc rừng tự nhiên vẫn đang bị một số đối tượng “lạ mặt” đến khai thác. Trong khi đó, nhu cầu làm nhà của người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Vì thế, ông đề xuất bên cạnh việc có biện pháp ngăn chặn các đối tượng từ nơi khác đến khai thác lâm sản, cần có chính sách hỗ trợ để người dân miền núi “sống” được với rừng. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu để rừng luôn được giữ vững bởi cộng đồng địa phương.

“Ngoài ra, công tác quản lý đất rừng, đất ở, đất sản xuất vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều hộ dân hiện nay chưa được cấp sổ đỏ, dẫn đến nguy cơ tranh chấp đất đai rất cao” - ông Bing chia sẻ.

Kiên quyết giữ rừng

Liên quan đến kiến nghị của người dân cho rằng nhà máy xi măng Xuân Thành thường xuyên thải khói, bụi ra môi trường, cũng như thải chất bẩn ra nguồn nước làm ảnh hưởng đến môi trường và hoa màu của nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường giao huyện Nam Giang tiếp tục theo dõi và phối hợp với Sở TN-MT kiểm tra, có báo cáo cụ thể để có cơ sở xử lý. Cần thiết, sẽ đóng cửa nhà máy, không để vì phát triển kinh tế mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, sau khi có chủ trương bàn giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho Nam Giang quản lý, đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang, công tác quản lý, điều hành đã dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là về kinh phí hoạt động, cũng như chi trả cho cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. Trong khi diện tích rừng Nam Giang rất lớn, khoảng 55.000ha. Vì thế, tỉnh cần quan tâm để công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được đảm bảo.

“Sắp tới chúng tôi sẽ tuyển dụng cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng, sẽ ưu tiên người địa phương, nhưng cũng phải đảm bảo các tiêu chí về sức khỏe, chuyên môn và năng lực công tác” - ông Mai cho biết thêm.

Từ những kiến nghị của người dân và chính quyền Nam Giang, bên cạnh chỉ đạo các đơn vị liên quan trực tiếp giải đáp các vấn đề mà người dân đã nêu, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường còn chia sẻ và làm rõ nhiều nội dung quan trọng để đồng bào kịp nắm bắt theo chủ trương của tỉnh. Dẫn chứng câu chuyện về tinh thần chịu khó của đồng bào miền núi phía Bắc khi phải cõng từng miếng đất đắp vào hốc đá để trồng bắp, trồng lúa, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường mong muốn đồng bào Nam Giang phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế, nhất là kinh tế rừng. Trong đó, mỗi cá nhân phải tự nỗ lực làm giàu, rồi tạo điều kiện để cộng đồng cùng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng chia sẻ về định hướng trồng rừng gỗ lớn, xem đó là lời giải hữu hiệu về bài toán vật liệu thay thế, vừa giúp người dân miền núi có điều kiện làm nhà, vừa giữ được rừng tự nhiên bền vững. Trước mắt, tỉnh sẽ xem xét nâng mức hỗ trợ để người dân làm nhà, kiên quyết không để xảy ra tình trạng do không có gỗ mà phá rừng tự nhiên.

“Trong kháng chiến, rừng che chở cách mạng, đồng bào miền núi giúp từng miếng cơm, manh áo cho cán bộ chiến sĩ, cùng chung sức đánh thắng kẻ thù. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào miền núi, xây dựng nhiều chính sách giúp miền núi phát triển. Tôi mong cả hệ thống chính trị huyện Nam Giang phải vào cuộc, làm quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cố gắng giữ màu xanh của rừng, giữ môi trường rừng và làm giàu từ rừng” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ rừng để làm giàu từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO