Khai mạc Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”

X.HIỀN - T.CÔNG - H.QUÂN 09/09/2022 10:20

(QNO) - Sáng nay 9.9, nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9.9.1872 - 9.9.2022), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân; nhà sử học Dương Trung Quốc và Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng đồng chủ trì hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu khai mạc tại hội thảo. Ảnh: C.H
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu khai mạc tại hội thảo. Ảnh: C.H

Hội thảo với sự tham gia của hơn 200 đại biểu khách mời, đại biểu gia tộc nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã điểm lại các dấu mốc lịch sử trong cuộc đời của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Cụ Phan Châu Trinh, hiệu Tây Hồ, sinh ngày 9.9.1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông (nay thuộc thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, Phú Ninh). Cụ Phan không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc với những tác phẩm nổi tiếng.

Lãnh đạo tỉnh, nhà sử học Dương Trung Quốc, lãnh đạo Sở VH-TT&DL chủ trì hội thảo. Ảnh: C.H
Đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: C.H

Với trí tuệ thông minh và học vấn uyên thâm, nhà yêu nước Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước, thương dân, đấu tranh lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân, phong kiến; các tác phẩm của Phan Châu Trinh đều thể hiện sự thiết tha của một tấm lòng, một nhân cách yêu nước vĩ đại.

Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc. Từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người đến lúc trở về cõi vĩnh hằng, trong lòng cụ vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc…

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: C.H
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: C.H

Hội thảo tập hợp gần 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước. Trong đó, tập trung phân tích, khai thác về con đường hình thành và bối cảnh lịch sử tác động đến việc hình thành tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; phát huy giá trị tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh trong giai đoạn hiện nay.

[VIDEO] - Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh”:

Thay mặt ban tổ chức hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại biểu tiếp tục có những ý kiến đóng góp, đưa ra những nhận định, nguồn tài liệu, tư liệu mới và các góc nhìn, cách tiếp cận mới để nhận diện và tiếp tục làm sáng tỏ thêm về tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Nhất là việc vận dụng tư tưởng canh tân của bộ ba "Tam kiệt Quảng Nam" (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), mà trong đó nhà yêu nước Phan Châu Trinh đóng vai trò khởi xướng vào công cuộc đổi mới, xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tỉnh Quảng Nam giàu mạnh…

Hội thảo tập hợp gần 50 tham luận của các đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước. Ảnh: C.H
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: C.H

Ghi nhận những đóng góp và cống hiến to lớn của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, trong cả nước, nhiều tên trường THPT, THCS, tiểu học và nhiều tuyến đường được vinh dự mang tên Phan Châu Trinh. Huyện Phú Ninh của Quảng Nam cũng đã thành lập Giải thưởng Phan Châu Trinh.

Mộ cụ Phan Châu Trinh tại phường 4, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Năm 2005, Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh (thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, Phú Ninh) cũng được công nhận Di tích lịch sử quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai mạc Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO