Khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội: Xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ

NGUYÊN ĐOAN 04/01/2022 11:29

(QNO) - Sáng nay 4.1, Quốc hội (khóa XV) khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất dưới hình thức truyền hình trực tuyến kết nối từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, thành phố (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội họp chung tại điểm cầu Nhà Quốc hội).

Các đại biểu thực hiện nghi thức lễ chào cờ trước giờ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội (khóa XV) tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ
Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện nghi thức chào cờ trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: N.Đ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự kỳ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Nam có các đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Trong năm 2021, nhất là quý III xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Dịch lây lan nhanh, mạnh, diễn biến phức tạp tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, nhờ vào sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp, các cân đối lớn được đảm bảo, tổng thu ngân sách ước tính vượt kế hoạch, cán cân thương mại duy trì mức thặng dư khá cao, thị trường tiền tệ ngoại hối cơ bản ổn định…

Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể: tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường cả trong nước và trên thế giới; tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước đạt 2,58% - thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu, kế hoạch; rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu gia tăng; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, còn có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới và tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả giai đoạn 2021 - 2025…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và căn cứ vào công tác chuẩn bị, quy định của Hiến pháp, Luật Tổ quốc và các nghị quyết của Kỳ họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng có tính chất cấp bách về kinh tế - xã hội, tài chính và ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho chương trình phòng chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

“Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ hai, với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, cơ quan thường trực Quốc hội, các ĐBQH nêu cao tinh trách nhiệm, làm việc khẩn trương, phối hợp rất chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan; thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuẩn bị tốt nhất nội dung cho kỳ họp này” - đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.

Các ĐBQH tỉnh dự phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh kỳ họp tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, tại phiên họp trù bị, các ĐBQH đã thống nhất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp trên tinh thần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khoa học, hợp lý, vừa đảm bảo tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo các nội dung được xem xét và thảo luận, quyết định một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị quyết nêu trên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch Covid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch  tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ĐBQH tập trung phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả. Phạm vi, thời gian thực hiện chính sách. Các giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách. Và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chương trình.

Theo chương trình kỳ họp, sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các ĐBQH nghe đại diện Chính phủ trình bày các nội dung tờ trình và nghe báo cáo thẩm tra liên quan của các Ủy ban của Quốc hội.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063km, quy mô 4 - 10 làn xe, đã được Quốc hội (khóa XIV) thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội: Xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO