Từ địa phương nghèo nhất nhì cả nước, qua 22 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã không ngừng vươn lên với khát vọng phồn vinh, đứng vào tốp 20 tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn.
Năm 2018, Quảng Nam đạt giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 68,1 nghìn tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng trưởng 8,11%; thu ngân sách hơn 23,7 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa hơn 19,1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 23,6%). Lần đầu tiên, quy mô nền kinh tế vươn lên đứng đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quảng Nam tiếp tục là đất lành thu hút đầu tư và du lịch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm qua đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng, FDI còn hiệu lực với 169 dự án (tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD), thành lập mới 1.200 doanh nghiệp, có hơn 6,5 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú... Đáng nói là GRDP bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và đã giảm hơn 6.575 hộ nghèo, hơn 21 nghìn lao động có việc làm mới… Điểm xuyết những kết quả như vậy đủ cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh năm Mậu Tuất mưa gió thất thường, tai ương đủ dạng.
Đi qua nhiều gian khó và đạt thành tựu không nhỏ, song không thể tự mãn, thỏa mãn với khát vọng của vùng đất “mở”. Trước mắt, nhiệm vụ đặt ra với năm 2019 là tăng tốc để bảo đảm về đích kế hoạch 5 năm (2016-2020). Nhiều câu hỏi đặt ra: có duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định không, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thế nào để hội nhập sâu rộng trong bối cảnh Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt ra sao, công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cần xúc tiến gì để đạt hiệu quả thực chất… Bình tĩnh và thận trọng trả lời chu đáo các câu hỏi đó thì sự phát triển mới bền vững, phồn vinh không phải là ảo vọng.
Quảng Nam đã xác định tiếp tục kiến tạo những cú hích trên ba mũi đột phá (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực), đẩy mạnh thực hiện 6 nhóm dự án động lực vùng đông nam và các chương trình phát triển vùng tây. Công nghiệp gia tăng công nghệ cao. Du lịch cần thêm sản phẩm mới và thương hiệu lớn. Nông nghiệp phải tiến sâu vào chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn… Điều cốt yếu là cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới giữ vững nhịp điệu tăng trưởng, bền sức nhưng có bứt phá ở chặng nước rút này. Tất cả là để tăng trưởng có chiều sâu chất lượng, để nâng cao đời sống nhân dân, không bỏ ai lại phía sau trên hành trình đi tới.
Mùa xuân Kỷ Hợi mở đầu hành trình mới với các dự báo khó đoán định về thị trường thế giới và sự bất thường của thời tiết, về lo toan sắp xếp hành trang cho bộ máy công quyền gọn nhẹ, về biến động của nguồn lao động trẻ “chưa giàu mà đã già” khi qua thời điểm bắt đầu suy giảm dân số vàng… Nhận diện khó khăn ấy là cần nhưng cũng biết trong thách thức có cơ hội, “trong nguy có cơ”, tin rằng Quảng Nam sẽ tiếp tục vững bước đi lên với khát vọng thành tỉnh giàu của khu vực, tỉnh khá của cả nước.
Cách mùa xuân này vừa tròn 1080 năm, sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương dựng nước, đưa dân tộc thoát ách nô lệ nghìn năm từ phương Bắc. Còn ở phương Nam, tròn 450 năm chúa Tiên Nguyễn Hoàng được chính danh trấn thủ thêm xứ Quảng, dựng nghiệp cho xứ Đàng Trong phát triển rực rỡ. Từ những sự kiện đó, khát vọng cho dân tộc, đất nước, quê hương và vùng đất Quảng phồn vinh, thịnh vượng càng da diết gọi về.
Phồn vinh, là hàm chứa cả sự phồn thực, sung túc, âm dương tương hỗ như biểu trưng vận niên năm Hợi.
Phồn vinh, là sinh sôi nẩy nở,
cho đất đơm hoa kết trái,
cho người đoàn kết, ôn hòa,
cho mọi nhà an vui, hạnh phúc!
BÁO QUẢNG NAM