Kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để có gói an sinh xã hội

NGỌC QUYÊN 01/06/2023 18:24

(QNO) - Sáng 1/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận sôi nổi với nhiều đề xuất, kiến nghị đáng chú ý.

 
Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1/6. Ảnh: N.Q

Đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nghiên cứu để sớm sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, văn bản pháp luật còn chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và là nút thắt trói buộc trong quá trình triển khai nhiệm vụ ở địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để có gói chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là công nhân, nông dân, người buôn bán nhỏ đang gặp khó khăn.

Đại biểu Lê Văn Dũng cũng phản ánh, các đối tượng chính sách gặp nhiều khó khăn do mức trợ cấp thấp, không thể có mức sống bằng hoặc cao hơn ở khu dân cư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đại biểu đề nghị sớm nâng mức trợ cấp đối với người có công với nước để đảm bảo đời sống cho đối tượng này.

 
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: N.Q

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) trăn trở vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế. Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình trong phiên thảo luận chiều 31/5 nhưng đây vẫn là vấn đề lo lắng của nhiều bác sĩ.

Đại biểu nêu rõ, hiện các bệnh viện công đều đang thiếu thuốc, vật tư y tế. Người bệnh thuộc diện bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài, trong khi đó pháp luật hiện hành chưa có quy định hoàn trả lại số tiền thuốc mà bệnh nhân phải tự chi trả để mua thuốc bảo hiểm y tế ở bên ngoài. Bên cạnh đó, thiếu thuốc, vật tư y tế nên không thể thực hiện các ca phẫu thuật thông thường, gây áp lực, quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Đại biểu Phan Thái Bình chỉ rõ, đấu thầu thuốc và vật tư y tế cũng gặp nhiều vướng. Một số trang thiết bị y tế hiện đại phải rất nhiều thời gian mới sửa chữa xong, nguyên nhân chính là do thủ tục phức tạp, rườm rà.

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại Hội trường sáng 01/6
Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: N.Q

Từ những thực trạng nêu trên, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần tiếp tục tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trong các bệnh viện. Công tác đấu thầu thuốc nên giao cho các công ty tư vấn độc lập để ngành y tế chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cần có quy định về việc thanh toán lại những chi phí cho người có bảo hiểm y tế khi không có thuốc bảo hiểm y tế mà phải mua bên ngoài. Đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn rõ ràng, kịp thời về công tác đấu thầu về vật tư y tế, hóa chất khi đã bãi bỏ Thông tư số 14 ngày 10/7/2020, đặc biệt với những trang thiết bị độc quyền, đặc thù của ngành y tế.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ; thị trường tiêu thụ ô tô trong nước tụt giảm mạnh mặc cho các hãng ô tô đang điều chỉnh đồng loạt giảm giá mạnh, có nơi giảm giá đến 12% giá bán lẻ so với giá niêm yết, nhưng việc tiêu thụ rất hạn chế.

Trên tinh thần Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 của Chính phủ, đại biểu đề xuất cần phải gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong năm 2023 và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và năm 2024.

Cùng tham gia phiên thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý về vấn đề “an dân”. Đại biểu cho rằng, đây vẫn là tư tưởng tiến bộ và đã được Nguyễn Trãi vận dụng vào thời nay. Kế thừa và phát huy đạo lý nhân nghĩa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhân dân là vị trí cao nhất, làm chủ trong những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng và xã hội.

Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu tại Hội trường sáng 01.6
Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu thảo luận. Ảnh: N.Q

Đại biểu khẳng định, tư tưởng trọng dân và thực hành nhân nghĩa để yên dân vẫn là con đường độc đạo dẫn lối chúng ta đi đến thành công mới. Thời gian qua, công tác dân nguyện tuy đã được chú trọng, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị chưa giải quyết thỏa đáng, chưa thấu tình đạt lý.

Đại biểu nêu rõ, tình trạng khiếu nại, tố cáo của nhân dân vẫn còn diễn ra phức tạp; tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn còn gia tăng; công tác thẩm tra sơ sài, chưa thu thập chứng cứ hoặc thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận đôi khi thiếu chính xác… gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, tố cáo của công dân chưa tốt, việc áp dụng pháp luật giữa các bộ ngành, địa phương còn thiếu thống nhất…

Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, công tác dân nguyện, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là trách nhiệm chính trị của Đảng, của Nhà nước trước Nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải nhận thức sâu sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để có gói an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO