Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X: Quyết định đầu tư nhiều dự án quan trọng

TRỊNH DŨNG 27/06/2022 09:33

Nhiều dự án đầu tư quan trọng được quyết định kịp thời, thông qua tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X vừa diễn ra dự báo sẽ “mở đường”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Bờ biển Cửa Đại sạt lở này sẽ được triển khai dự án đầu tư chống xói lở khẩn cấp từ nguồn vốn trung ương 210 tỷ đồng. Ảnh: T.D
Bờ biển Cửa Đại sạt lở này sẽ được triển khai dự án đầu tư chống xói lở khẩn cấp từ nguồn vốn trung ương 210 tỷ đồng. Ảnh: T.D

Sẽ đầu tư từ biển lên rừng

Tình trạng sạt lở, xâm thực tại bãi biển Cửa Đại (đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, Hội An) ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay một dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển khu vực này sẽ được triển khai với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng (nhóm B, vốn ngân sách trung ương từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện từ năm 2022 - 2023) đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn (ngày 20.5.2022).

Sẽ xây dựng hệ thống đê ngầm khoảng 550m để giảm sóng, giữ chân bãi nhân tạo song song, cách bờ 250 - 300m, san lấp tạo bãi có chiều dài khoảng 1.450m.

Một số dự án khác như hồ chứa nước 3/2 (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), Đập Quang (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) hay kè bảo vệ khu dân cư Bằng La (xã Trà Leng, Nam Trà My) thuộc danh mục Thủ tướng phê duyệt đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cũng đã được đưa lên bàn nghị sự.

Hơn 221,3ha đất sản xuất ở Duy Sơn, 40ha đất lúa Tam Nghĩa “sống” nhờ vào hai hồ chứa nước kể trên có nguy cơ thiếu nước khi các hồ này không được nạo vét. Toàn bộ ngôi làng ông Lục (Trà Leng, Nam Trà My) đã bị xóa sổ vì sạt lở đã được thiết lập nên làng mới và trung tâm hành chính nằm hai bên dòng sông Leng.

Khu vực này có đủ hệ thống giao thông, điện, nước, đủ nhu cầu sinh hoạt, ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân. Nhưng hiện tại, dọc hai bờ sông Leng chưa được gia cố. Dòng nước hung hãn từ thượng nguồn chảy về lưu tốc lớn, dễ dàng gây xói lở, ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư, kể cả tính mạng người dân ven bờ mùa lũ.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nói không thể chờ đợi đến năm 2030 để đầu tư hai hồ chứa nước đã bị hư hỏng. Không còn cách nào khác để cứu nền nông nghiệp địa phương nên buộc lòng phải sớm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các hồ này và bổ sung kè bảo vệ khu dân cư Bằng La vào quy hoạch thủy lợi đến năm 2025.

Các dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn ngày 20.5.2022 (riêng kè bảo vệ khu dân cư Bằng La với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng sẽ được tiến hành trong 2 năm (2022 & 2023).

Tạo động lực phát triển

Khu công nghiệp Tam Anh 2 (Núi Thành) đã hoàn tất một đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (1/2000) với diện tích khoảng 435,8ha (Tam Anh Nam & Tam Anh Bắc) theo loại hình công nghiệp sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay việc thông qua đồ án quy hoạch khu công nghiệp này sẽ tạo điều kiện xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư, cũng là cơ sở pháp lý để quản lý đất đai, xây dựng…

Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng (vốn hơn 768 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đầu tư ngày 24.1.2022) cần chuyển đổi mục đích sử dụng 16,9ha rừng phòng hộ sang mục đích khác để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.

Đường dây 500KV Monsoon - Thạnh Mỹ xây dựng hạng mục móng trụ và hạng mục sử dụng tạm (đường tạm và bãi tập kết) cần chuyển đổi 21.133m2 rừng sản xuất để khẩu điện và đấu nối cụm nhà máy điện gió Monsoon (Lào) về Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Không một ý kiến phản bác các tờ trình đưa ra từ UBND tỉnh. Các địa phương hưởng lợi (Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên, Nam Trà My) đều cam kết sẽ thực hiện đúng yêu cầu để các dự án có thể triển khai nhanh, đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho hay các cuộc thẩm tra đều xác nhận từ chủ trương đầu tư, khả năng cân đối các nguồn vốn của các dự án đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định; hay phương án quy hoạch, bổ sung quy hoạch thủy lợi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của các dự án hợp lý, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương là điều thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, ông Đức cũng khuyến cáo các quy hoạch, đầu tư phải bảo đảm sự khớp nối, quan tâm đến vấn đề chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân bị thu hồi đất, giải quyết tốt các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, đảm bảo an toàn môi trường...

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện theo đồ án quy hoạch được duyệt. Kiểm soát chặt chẽ khối lượng, đơn giá, định mức và các chi phí đầu tư xây dựng nhằm tiết kiệm nguồn vốn và phát huy hiệu quả đầu tư, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án sau khi đã quyết định chủ trương đầu tư.

Kiểm tra hoạt động đấu thầu, giám sát chất lượng công trình. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải cụ thể trong việc kiểm tra, xác định vị trí, ranh giới đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Theo Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, Quảng Nam đã kịp thời thể chế hóa quy định của pháp luật và các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy tại kỳ họp này.

Các nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đầu tư, thu hút đầu tư một số dự án, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương trong những năm đến. Quan trọng nhất là hoàn thành các thủ tục đầu tư, nâng cao trách nhiệm lập, thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán, đảm bảo hiệu quả đầu tư nhanh nhất có thể. Không để mất vốn đầu tư hay xảy ra tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X: Quyết định đầu tư nhiều dự án quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO