Ký ức bi hùng...

THÀNH CÔNG 19/08/2022 07:33

Nắng tháng 8 giòn trên những cung đường. Nửa thế kỷ trôi đi, quá nhiều đổi thay trên quê hương Quế Sơn sau những năm tháng miên trường trong đạn bom. Nhưng có những cuộc hội ngộ trong lòng tháng 8, suốt nhiều năm, vẫn rưng rưng xúc cảm. Ngày 19.8 của năm 1972, đúng 50 năm về trước, lá cờ xanh - đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh đồi Cấm Dơi, ghi dấu một chiến thắng oai hùng trong lòng đất lửa…

Lãnh đạo tỉnh và huyện Quế Sơn dâng hoa tại Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi. Ảnh: T.C
Lãnh đạo tỉnh và huyện Quế Sơn dâng hoa tại Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi. Ảnh: T.C

Chuyện của người cựu binh

Suốt cuộc chuyện trò, đôi mắt ông Mai Xuân Hương (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn), người từng cầm súng trực tiếp chiến đấu trong trận đánh ngày ấy ánh lên nhiều cảm xúc.

Mười tám tuổi, ông trở thành du kích xã Sơn Lãnh, cầm súng chiến đấu, dẫn đường cho bộ đội trong nhiều trận đánh. Năm tháng có thể phôi phai đi ít nhiều trí nhớ, nhưng ký ức về Cấm Dơi, như vẫn còn đau đáu hằn in trong lòng người cựu binh.

Ông Hương kể tường tận về địa thế Cấm Dơi, ngọn đồi thuộc thôn Thuận An, bị san phẳng và xây dựng thành một căn cứ quân sự tại thung lũng Quế Sơn, thành tuyến phòng thủ quan trọng để bảo vệ từ xa căn cứ liên hợp hải - lục - không quân tại Đà Nẵng vào những năm 1967 - 1971.

“Quân Mỹ đổ một tiềm lực khổng lồ để bảo vệ căn cứ này. Đến cuối 1971, khi Mỹ rút khỏi Quế Sơn, quân chủ lực chế độ cũ gồm 2 trung đoàn, tiểu đoàn biệt động quân biên phòng, chi đoàn xe bọc thép cùng một số đại đội địa phương, nghĩa quân, dân vệ với khoảng 10.000 quân các loại bám trụ Cấm Dơi.

Để đáp ứng yêu cầu chiến trường, tháng 11.1971, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Sư đoàn 711 gồm Trung đoàn 31 và Trung đoàn 38, sau bổ sung thêm Trung đoàn 9 từ chiến trường Quảng Trị. Chúng tôi là du kích địa phương thường xuyên dẫn đường cho bộ đội của Sư đoàn 711” - ông Hương nhớ lại.

Bức ảnh đội du kích Sơn Lãnh, kỷ vật ông Mai Xuân Hương còn giữ lại sau cuộc chiến. Ảnh: T.C
Bức ảnh đội du kích Sơn Lãnh, kỷ vật ông Mai Xuân Hương còn giữ lại sau cuộc chiến. Ảnh: T.C

Những trang sử ghi dấu chiến công, ghi dấu nhịp bước hối hả của bộ đội Sư đoàn 711 khắp Quế Sơn và các miền lân cận. Tháng 4.1972, Sư đoàn 711 và các đơn vị chủ lực của Quân khu phối hợp cùng bộ đội địa phương tiến công diệt gọn 1 tiểu đoàn địch tại cứ điểm Liệt Kiểm và Chư Gan (huyện Hiệp Đức).

Từ cuối tháng 7.1972, bộ đội chủ lực của Quân khu 5 bắt đầu đánh mạnh vào hệ thống phòng thủ của địch xung quanh căn cứ Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn. Với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, trong 10 ngày đầu tháng 8.1972, quân ta đã đánh thiệt hại Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 5, Tiểu đoàn 77 biệt động biên phòng và 10 đại đội khác của địch, buộc Sư đoàn 2 ngụy phải co cụm phòng thủ.

Đêm 17.8, các cánh quân đồng loạt tấn công đánh chiếm các vị trí Đá Tịnh, Gò Đa, Nhà Tằm, ấp Thuận An, tạo thế bao vây, áp sát căn cứ Cấm Dơi. Sáng 18.8, hỏa lực của Sư đoàn 711 và hỏa lực tăng cường của Quân khu đồng loạt bắn dồn dập vào căn cứ Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn.

“Đánh nhau, chiến đấu ngoan cường giành từng mép rào, từng mỏm đá, đến 15 giờ ngày 19.8, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 31 đã chiếm được khu trung tâm, lá cờ xanh - đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh đồi Cấm Dơi - Quế Sơn.

Tôi và các du kích men theo cửa mở của bộ đội tiến vào khu Cấm Dơi. Chiếm được căn cứ Cấm Dơi, quân ta được lệnh tiến công quận lỵ Quế Sơn. Chỉ qua 2 ngày chiến đấu, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thung lũng Quế Sơn, hơn một vạn dân được giải phóng” - ông Hương kể.

Viết tiếp niềm tự hào

Ông Mai Xuân Hương may mắn còn giữ được nhiều kỷ vật. Là bức ảnh đội du kích Sơn Lãnh, trong đó có ông, là những tấm ảnh thời chiến đã mờ nhòe đi, hay chiếc ngòi nổ hẹn giờ ông được trang bị để chiến đấu.

Sau này, ông có cơ hội gặp được nhiều đoàn cựu binh của Trung đoàn 31, Trung đoàn 38, vẫn những câu chuyện cũ, những ký ức hào hùng nhưng cũng vô cùng bi tráng, không thể quên mất mát, hy sinh đã đổ xuống cho mảnh đất Quế Sơn.

Ảnh: T. Công
Ảnh: T.C

“Những ngọn đồi nơi từng bị đạn bom cày xới đã xanh lại rồi. Nhưng nhiều đồng đội, nhiều chiến sĩ của ta còn nằm lại đó. Nhiều năm sau giải phóng, tôi cùng các đồng đội trở lại chiến trường xưa, may mắn tìm thấy hơn 10 bộ hài cốt liệt sĩ. Và tôi sẽ còn tiếp tục” - ông nói, mắt nhìn lên hướng núi.

Như trường hợp một liệt sĩ, người ôm khẩu 12 ly 7 hy sinh trên đồi Đá Trú (xã Quế Long), ông Hương đã viết thư gửi cho gia đình từ năm 1980. Mãi đến 33 năm sau, lá thư ấy được người thân liệt sĩ mang theo trong hành trình tìm kiếm, và ông một lần nữa thành chứng nhân, chỉ được vị trí chính xác nơi liệt sĩ hy sinh để thực hiện công tác tìm kiếm, bàn giao cho gia đình về quê an táng.

Năm mươi năm, đủ dài để nhìn thấy những đổi thay trên mảnh đất ghi dấu chiến thắng Cấm Dơi anh hùng. Ông Đinh Nguyên Vũ - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn chia sẻ, từ một địa phương chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đến nay hạ tầng kinh tế - xã hội ở Quế Sơn được xây dựng ngày càng khang trang, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, diện mạo nông thôn và đô thị ngày một khởi sắc.

“Trong câu chuyện của hôm nay và ngày mai, luôn có một phần tự hào với chiến thắng Cấm Dơi, để nhắc nhớ và tri ân, để luôn biết những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ đi trước mà bước tiếp, viết tiếp truyền thống, ý chí của đất và người Quế Sơn.

Trong những năm đến, nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của huyện là tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 3 khâu đột phá đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra bằng những cách làm mới hiệu quả, năng động, phấn đấu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực” - ông Vũ nói.

Ký ức Cấm Dơi lại trở về. Để những cựu binh như ông Mai Xuân Hương, và cả thế hệ hôm nay nữa, có thêm một dịp nhắc nhớ và tri ân những người đã nằm xuống cho độc lập…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức bi hùng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO