Lãnh đạo đảng làm báo đảng

LÊ NĂNG ĐÔNG 21/06/2021 10:04

Kể từ khi ra đời với tên gọi Lưỡi Cày (5.1930), báo chí cách mạng Quảng Nam đã trở thành vũ khí sắc bén góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, quân và nhân dân xứ Quảng vượt qua khó khăn, thử thách và giành những thắng lợi vẻ vang. Có điều hết sức đặc biệt, trong những năm kháng chiến gian khổ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vừa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, vừa tích cực tham gia hoạt động báo chí.

1. Sau khi thành lập Đảng bộ tỉnh (28.3.1930), nhân kỷ niệm Quốc tế lao động (1.5), bên cạnh tờ báo Bẻ Xiềng của Xứ ủy, Tỉnh ủy chủ trương ra báo Lưỡi Cày, Thị ủy Đà Nẵng ra báo Còi Nhà Máy. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định là người khởi xướng đồng thời là người phụ trách số ra đầu tiên của báo Lưỡi Cày.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định là người khởi xướng đồng thời là người tổ chức thực hiện ra số đầu tiên của tờ báo Lưỡi Cày.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định là người khởi xướng đồng thời là người tổ chức thực hiện ra số đầu tiên của tờ báo Lưỡi Cày.

Báo Lưỡi Cày in đông sương, với nội dung là truyền đơn và tài liệu phục vụ yêu cầu cách mạng, in lại một số tài liệu của Xứ ủy. Đồng thời in nhiều tài liệu tuyên truyền giáo dục cho đảng viên và quần chúng như: hỏi đáp về chủ nghĩa cộng sản; vẽ các bức tranh biếm họa đả kích, lên án bọn quan lại Nam triều...

Lúc đầu, nơi in báo Lưỡi Cày đặt tại nhà một cơ sở cách mạng, có lúc chuyển về nơi đứng chân của Tỉnh ủy. Đặc biệt, có lúc đồng chí Phan Văn Định (lúc này đang ẩn mình làm lái xe cho tên Công sứ Pháp) dùng nhà kho của Tòa Công sứ để in ấn và cất giấu tài liệu.

Không chỉ là người có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chung, đồng chí Phan Văn Định còn làm nhiệm vụ phát hành: “Lợi dụng việc lái xe cho Công sứ Pháp vào Tam Kỳ, đồng chí Phan Văn Định còn đem và rải truyền đơn, báo Lưỡi Cày dọc quốc lộ 1, làm cho tri phủ Tam Kỳ ngỡ ngàng, lúng túng tìm cách đối phó”. Cuối năm 1930, Cơ quan Tỉnh ủy bị lộ, nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt giam, báo Lưỡi Cày tạm dừng.

2. Tháng 10.1940, Tỉnh ủy liên lạc được với Xứ ủy và tổ chức hội nghị mở rộng tại chùa Hang. Hội nghị nghe đồng chí Hồ Tỵ, phái viên của Xứ ủy phổ biến nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11.1939). Hội nghị chủ trương “đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho đảng viên và quần chúng quán triệt đường lối và nhiệm vụ đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc”. Đồng thời nhấn mạnh “ra tờ báo Khởi Nghĩa để làm cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ tỉnh”.

Đồng chí Trương An (Thu), Tỉnh ủy viên được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện kiêm Trưởng ban biên tập báo Khởi Nghĩa. Ban Biên tập Báo Khởi Nghĩa còn có đồng chí Võ Toàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Huỳnh Cự (Hạ) - Tỉnh ủy viên. Bài vở của Báo Khởi Nghĩa dựa vào nội dung tờ báo Bẻ Xiềng Sắt của Trung ương và nội dung của Hội nghị Tỉnh ủy ở chùa Hang để biên tập.

Sau khi xuất bản, các đồng chí Tỉnh ủy, Ban biên tập chia nhau đi phân phát tận cơ sở, dùng tờ báo làm phương tiện vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vừa hướng dẫn đảng viên, cơ sở chống địch khủng bố. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phong trào cách mạng trong tỉnh nhanh chóng phục hồi. Số 2 báo Khởi Nghĩa chuẩn bị lên khuôn thì đồng chí Hồ Tỵ, Bí thư Tỉnh ủy bị bắt trong một chuyến công tác ở Quảng Ngãi. Báo tạm dừng.

Tháng 7.1941, sau khi bắt liên lạc được với Xứ ủy, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tại Nghi Sơn (Quế Sơn). Hội nghị nhấn mạnh “ra tờ báo Cứu Quốc vì yêu cầu của tình hình bức thiết”. Đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) - Phó Bí thư Tỉnh ủy vừa là người phụ trách tờ báo, vừa là người biên tập, tham gia in ấn, phát hành.

Có lẽ, “vì yêu cầu cấp bách của đảng viên, quần chúng”, nên các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy vừa lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng nói chung, vừa là người trực tiếp biên tập, in ấn và phát hành.

Do đó, báo Cứu Quốc nhanh chóng được phân phát cho các địa phương và đưa vào tận nhà lao để tuyên truyền, cổ động cán bộ, đảng viên và quần chúng. Tờ báo có tác dụng rất lớn. Nhờ đọc báo, đảng viên và quần chúng cách mạng biết được đường lối, chủ trương của Đảng nên càng phấn khởi, tin tưởng vào đường lối cách mạng.

Đầu năm 1942, trước sự đánh phá, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí Võ Toàn và Nguyễn Sắc Kim phải tạm lánh vào các tỉnh phía Nam. Khi đi các đồng chí còn đem theo báo Cứu Quốc để phát hành. Tháng 6.1942, Ban Chấp hành Liên Thành, Tỉnh ủy Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng được thành lập. Hội nghị chủ trương khôi phục tổ chức, phát triển cơ sở đảng và đảng viên; ra Báo Cờ Độc Lập thay cho tờ Khởi Nghĩa và phát hành báo xuống tận cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Toàn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung; Ban biên tập là các đồng chí trong Tỉnh ủy. Nội dung tờ báo do các đồng chí trong Tỉnh ủy viết, biên tập, tự in rồi giao cho cơ sở phát hành. Đó là tài liệu chính để các chi bộ và các đoàn thể cứu quốc sử dụng trong sinh hoạt, cũng như tuyên truyền trong nhân dân. Đến tháng 10.1943, phong trào cách mạng bị đánh phá, nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy bị bắt giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột, báo Cờ Độc Lập ra đến số thứ 8 thì tạm dừng.

 

3. Đầu năm 1944, trước khi chuẩn bị kế hoạch vượt nhà đày Buôn Ma Thuột về hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Văn Quế đã được đồng chí Võ Toàn căn dặn rằng, khi về cố gắng gây dựng lại phong trào và khôi phục tờ báo Cờ Độc Lập. Sau khi “nhảy tàu”, về bắt nối xây dựng phong trào cách mạng, tháng 4.1944, đồng chí Trần Văn Quế chủ trì hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời.

Hội nghị Tỉnh ủy xác định “nhiệm vụ cấp bách lúc này là nhanh chóng móc nối với các cơ sở, đảng viên còn lại ở phủ, huyện xây dựng hệ thống tổ chức đảng và các đoàn thể, tiếp tục ra báo Cờ Độc Lập và in một số tài liệu để tuyên truyền. Hội nghị giao nhiệm vụ các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy đều tham gia viết bài, biên tập, tự in rồi giao cho cơ sở phát hành. Báo Cờ Độc Lập tiếp tục ấn hành đã góp phần củng cố lòng tin của đảng viên và quần chúng đối với Đảng.

4. Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, để đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu phải có một tờ báo. Tỉnh ủy chủ trương ra báo Quyết Tiến, chỉ đạo chung là đồng chí Phan Tốn - Bí thư Tỉnh ủy. Số báo ra đầu tiên vào ngày 2.9.1955, đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Đặc biệt, khi chuẩn bị ra báo Quyết Tiến, bọn Quốc dân đảng sau một thời gian ly khai đã đầu hàng Ngô Đình Diệm. Đồng chí Phan Tốn đưa vấn đề này trao đổi trong Ban biên tập, thống nhất tuyên truyền nhằm từng bước làm suy yếu kẻ thù về mặt tư tưởng cũng như tổ chức.

Đồng chí Phan Tốn nhận trách nhiệm viết loạt bài đầu tiên “về đối sách với Quốc dân đảng” trên báo Quyết Tiến. Loạt bài viết đã giúp cán bộ, đảng viên hiểu bản chất phản động của Quốc dân đảng, làm phân hóa nội bộ kẻ thù. Những năm 1956 - 1957, tình thế cách mạng hết sức khó khăn nhưng báo Quyết Tiến vẫn ra đều đặn. Đồng chí Phan Tốn còn chỉ đạo mỗi tuần phải ra cho được một bản tin để thông báo kịp thời chủ trương của ta cũng như âm mưu của địch cho các địa phương.

*
*            *

Dù hoạt động trong điều kiện hết sức bí mật, nhưng báo Đảng Quảng Nam vẫn duy trì hoạt động và xuất bản đều đặn. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến hết sức ác liệt, các đồng chí lãnh đạo, mà trực tiếp là Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy không chỉ là người có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chung, mà còn tham gia rất tích cực đến hoạt động của báo chí cách mạng.

Sự hiện diện của báo chí cách mạng đã khẳng định sự tồn tại và phát triển của Đảng, của cách mạng, và quan trọng nhất, sự dấn thân của các nhà báo - chiến sĩ là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nguyện một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lãnh đạo đảng làm báo đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO