Lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền

NGUYÊN ĐOAN - THÀNH CÔNG 10/06/2022 10:29

(QNO) - Sáng nay 10.6, tại Khu du lịch Nam Hội An (huyện Duy Xuyên), Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào dự thảo Đề án (hội nghị lần thứ hai).

Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì hội nghị. Ảnh Đ.C
Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì hội nghị. Ảnh Đ.C

Các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị sáng nay 10.6. Ảnh: C.Đ
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: C.Đ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, trong quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cấp ủy, tổ chức đảng, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm lý luận và thực tiễn sâu sắc về lĩnh vực này trên phạm vi cả nước.

Nhất là, huy động 10 chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đầu ngành của đất nước tham gia Tổ biên tập xây dựng Đề án; chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương nghiên cứu, xây dựng 27 chuyên đề về các vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Cương lĩnh năm 1991 đến nay.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: C.Đ
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: C.Đ

Ngoài ra, tổ chức 3 hội thảo quốc gia, 6 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề, tổng hợp, tiếp thu hơn 600 ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học… Từ kết quả báo cáo các chuyên đề, kết quả các hội thảo, tọa đàm, ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học; bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ; các nghị quyết của Trung ương, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án để xin ý kiến các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, dự thảo Đề án đã xác định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, bản chất, đặc trưng cơ bản, bao trùm của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: N.Đ
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: N.Đ

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Trên cơ sở đó, Đề án đã đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua; xác định quan điểm, mục tiêu, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: C.Đ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: C.Đ

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận vào một số vấn đề lớn bao gồm: ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua; quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Đề án...

[Video] - Hội nghị góp ý dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO