Mặt trận với cuộc bầu cử

TÂM ĐAN 01/06/2021 06:22

Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng của Mặt trận các cấp trong việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử, đồng thời tham gia phụ trách và giám sát quá trình bầu cử, thể hiện sự dân chủ của quá trình nhân dân lựa chọn bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử. Ảnh: V.A
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử. Ảnh: V.A

Hoàn thành khối lượng lớn công việc

Vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác bầu cử được quy định tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (Luật Bầu cử), Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật liên quan.

Xác định tham gia công tác tổ chức bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia tổ chức tốt các bước, các công việc cho cuộc bầu cử.

Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức thành công ba vòng hiệp thương để giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Đặc biệt, để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ 3, trước đó Mặt trận cấp xã nơi có người ứng cử đã hoàn thành khối lượng lớn công việc khi chủ trì tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.

Có địa phương, Mặt trận chủ trì lấy ý kiến cả người ứng cử ĐBQH lẫn người ứng cử đại biểu HĐND 3 cấp. Như tại phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ), Mặt trận phường phải thực hiện lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với 93 ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND 3 cấp.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Thạnh cho biết, nhờ xây dựng kỹ kế hoạch cũng như chương trình, nội dung, lịch thời gian triển khai nên Mặt trận phường đã hoàn thành tốt các công việc liên quan đến bầu cử.

Ở cấp tỉnh, sau hơn 2 tháng chuẩn bị, trải qua 5 bước của quy trình hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 3 hội nghị hiệp thương thống nhất lựa chọn, lập danh sách giới thiệu 10 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV và 91 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X.

Quy trình các bước đảm bảo dân chủ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết quả đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định công bố danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH đơn vị Quảng Nam gồm 13 người (Trung ương giới thiệu 3 người), được phân bổ ở 3 đơn vị bầu cử.

Ủy ban Bầu cử tỉnh công bố danh sách chính thức 91 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh ở 23 đơn vị bầu cử. Công tác hiệp thương là nhiệm vụ rất quan trọng của quá trình bầu cử, đồng thời khẳng định Mặt trận các cấp đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.

Theo kết quả bầu cử được công bố, cử tri toàn tỉnh đã bỏ phiếu bầu đủ 7 ĐBHQ khóa XV, 57 đại biểu HĐND tỉnh khóa X; bầu 563 đại biểu HĐND cấp huyện (thiếu 2) và 5.302 đại biểu HĐND cấp xã (thiếu 34).

Linh hoạt trong tình hình dịch bệnh

Sau khi tổ chức thành công ba hội nghị hiệp thương, MTTQ các cấp trong tỉnh còn thực hiện việc giám sát công tác chuẩn bị bầu cử; tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử; hướng dẫn công tác tuyên truyền, tập hợp dư luận xã hội về công tác bầu cử...

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, ngày 4.5.2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn số 61 về việc tổ chức tiếp xúc cử tri phù hợp với công tác phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thực hiện hướng dẫn của Trung ương, Mặt trận tỉnh có công văn đề nghị Mặt trận cấp huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, nhất là trước tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay.

Nhờ đó, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử để thực hiện vận động bầu cử được tiến hành khẩn trương, công khai, dân chủ và có sự điều tiết hài hòa phù hợp với từng địa phương, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều địa phương kịp thời thay đổi hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo quyền vận động bầu cử cho các ứng cử viên trong điều kiện dịch bệnh.

Từ thực tiễn công tác mặt trận tham gia công tác tổ chức bầu cử, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa với ủy ban bầu cử, Thường trực HĐND, UBND và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Ban thường trực MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương; triển khai hoạt động giám sát bài bản, đạt chất lượng, giúp các địa phương có sự chuẩn bị chu đáo khi triển khai công tác bầu cử.

Đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền các nội dung về bầu cử với hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp nhân dân...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mặt trận với cuộc bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO