Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội

TÂM ĐAN 20/03/2023 07:53

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca trao Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ảnh: V.A
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca trao Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ảnh: V.A

Tăng “tiếng nói” chất lượng

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho hay, trong 5 năm qua (2017 - 2022), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát huy vai trò chủ động, chủ trì tổ chức và tham gia gần 14.000 cuộc giám sát và gần 1.000 cuộc phản biện xã hội.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A có quy mô di dân, tái định cư lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân được đầu tư trên địa bàn tỉnh…

Sau giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp ban hành gần 4.000 văn bản kiến nghị với nhiều nội dung quan trọng. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp nghiêm túc tiếp thu, xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản cho Mặt trận các cấp đạt tỷ lệ gần 80%.

Đặc biệt, sau khi tổ chức phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kiến nghị với Thường trực HĐND tỉnh thống nhất không đưa vào chương trình kỳ họp của HĐND tỉnh đối với 2 dự thảo đề án chưa thật sự cần thiết, chưa phù hợp thực tiễn, thiếu tính khả thi và không hiệu quả.

Đó là dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” và dự thảo báo cáo thẩm tra của UBND tỉnh về kết quả hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của TP.Hội An.

Để có “tiếng nói” chất lượng, được Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu, riêng dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tại huyện Đông Giang và Bắc Trà My. Qua đó đối thoại, tham vấn ý kiến 40 vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp huyện, các vị già làng, người có uy tín tiêu biểu và 1 hội nghị tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để phản biện.

Từng nội dung cụ thể của đề án đã được Mặt trận tỉnh phản biện, chỉ ra những vướng mắc, thiếu tính khả thi. Chẳng hạn, báo cáo phản biện cho biết “đề án chưa nêu được đặc trưng cụ thể của từng nhóm dân tộc mà nêu chung chung, khi lập đề án chưa xuất phát từ nhu cầu cần thiết, thực tế ở cơ sở, do đó kế hoạch đầu tư tràn lan nên chắc sẽ không đem lại hiệu quả”.

Coi trọng chất lượng, kết quả

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, kết quả, khối lượng thực hiện qua 5 năm triển khai Nghị quyết liên tịch số 403 của Mặt trận các cấp trong tỉnh rất đáng ghi nhận. Bởi trong bối cảnh Quảng Nam có địa hình rộng, phức tạp, nhiều đơn vị hành chính nên nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội không dễ, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, dư luận quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội nghị sơ kết Nghị quyết liên tịch 403. Ảnh: V.A
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội nghị sơ kết Nghị quyết liên tịch 403. Ảnh: V.A

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, giám sát, phản biện xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được Hiến pháp và pháp luật quy định. Đây là hình thức, kênh quan trọng để củng cố, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thông qua giám sát, phản biện xã hội thể hiện được vai trò, vị trí của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị Mặt trận các cấp cần quán triệt và bám sát các văn bản quan trọng, nền tảng như Quyết định 217 của Bộ chính trị, Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Chỉ thị 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy… Qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức của các tổ chức, công dân có liên quan đến giám sát, phản biện xã hội.

“Chúng ta đã có nhiều năm thực hiện, các chủ trương của Đảng, Nhà nước từ Trung ương, địa phương về giám sát, phản biện xã hội đã có thì phải quán triệt để tạo thay đổi về nhận thức. Làm sao để giám sát, phản biện năm sau tốt hơn năm trước; đối tượng được giám sát phải cảm thấy cần được giám sát, cần được phản biện chứ không phải bị giám sát, bị phản biện” - ông Lê Trí Thanh nói .

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng đề nghị Mặt trận bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu phát triển của Quảng Nam nói chung và của từng địa phương, từng ngành để thực hiện công tác giám sát và phản biện một cách chính xác, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Đặc biệt, cần hết sức chú ý đến vấn đề nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, có tầm quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, tác động lớn đến đời sống xã hội của đại bộ phận nhân dân.

Những vấn đề liên quan đến chủ trương quan trọng của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước có tác động, chi phối rộng rãi đến xã hội. Đồng thời tập trung vào việc thực hiện những kết luận của các cơ quan nhà nước có liên quan từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tiếp dân, giải quyết đơn thư, giám sát của HĐND, trả lời cử tri, kết luận các buổi đối thoại…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nếu thực hiện tốt những vấn đề nêu trên thì Mặt trận đã giải quyết được những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra. Do đó, song hành với giám sát và phản biện xã hội, phải chủ ý kiểm tra, theo dõi, giám sát để làm sao những kiến nghị phải đi vào thực chất, đạt tỷ lệ giải quyết thỏa đáng nhất định. Các nội dung kiến nghị phải khách quan, khoa học, có trọng tâm trọng điểm… Ngoài ra, Mặt trận cần phối hợp tốt với cơ quan để tránh trùng lắp về nội dung, thời gian giám sát, phản biện xã hội.

Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa ký kết chương trình phối hợp với Sở Công Thương về đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Mục đích tăng cường phối hợp giữa 2 cơ quan trong tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng cuộc vận động.

Theo đó, Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông, tham mưu văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 17/2/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chương trình OCOP.

Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại chợ truyền thống; tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm; nhân rộng mô hình về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, sản phẩm OCOP… cố định tại các chợ trung tâm, siêu chị, trung tâm thương mại…(VINH ANH)

Quỹ Vì người nghèo tỉnh phấn đấu huy động, hỗ trợ xây dựng 100 nhà đại đoàn kết trong năm 2023

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa ban hành Kế hoạch vận động Quỹ “Vì người nghèo’’ năm 2023.

Theo đó, Mặt trận các cấp trong tỉnh tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… ưu tiên thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều; phấn đấu cùng chính quyền các cấp hoàn thành mục tiêu giảm 3.000 hộ nghèo theo mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh năm 2023.

Trong đó, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh phấn đấu huy động; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa tối thiểu 100 nhà “Đại đoàn kết”; phấn đấu 100% đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguyện vọng thoát nghèo được Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp có kế hoạch nhận hỗ trợ, giúp đỡ... (ANH ĐÔNG)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO