Nguồn lực xã hội, đóng góp của nhân dân cho phòng chống COVID-19 rất to lớn

NGỌC QUYÊN 29/05/2023 16:26

(QNO) - Sáng 29/5, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu tại Hội trường
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Dương Văn Phước phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 29/5. Ảnh: N.Q

Đại biểu Dương Văn Phước ghi nhận báo cáo được chuẩn bị công phu, khoa học, phản ánh được bức tranh toàn cảnh tình hình. Qua đó, phản ánh được sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Báo cáo cũng nêu đầy đủ, trung thực những tồn tại, hạn chế và cả giải pháp khắc phục rất thuyết phục, sát với yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, nguồn lực chi cho công tác phòng chống dịch vừa qua chủ yếu mới được thống kê từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nguồn huy động từ nhân dân, từ xã hội chưa được thống kê đầy đủ. Đóng góp của nhân dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là vô cùng to lớn, không thể cân đong đo đếm được. Đây là tình nghĩa đồng bào, là ý thức trách nhiệm, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cả nước.

Đại biểu cũng chỉ rõ, chế độ chính sách cho đối tượng tham gia phòng chống dịch chưa tương xứng, chưa bao quát hết các đối tượng. Việc hỗ trợ người lao động, nhất là lao động tự do chịu ảnh hưởng của đại dịch chưa kịp thời. Vẫn còn nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra phổ biến ở các bệnh viện và hầu hết ở các địa phương đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cùng với đó, hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng dù đã được quan tâm nhưng chưa đủ năng lực để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch. Công tác điều hành, phối hợp trong công tác phòng chống đại dịch còn bị động, lúng túng. Cơ sở vật chất và nguồn lực trong nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế cấp cơ sở.

Đại biểu dẫn chứng, thực tế tại Quảng Nam, bệnh viện thiếu thuốc nên bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo đơn của bác sĩ; vật tư y tế cạn kiệt, phải chuyển viện nhiều bệnh nhân phẫu thuật thông thường; máy móc, thiết bị hư hỏng không thể sửa chữa vì vướng cơ chế, do quy định đây là vật tư y tế chứ không phải máy móc thiết bị nên không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị quyết 30.

Gần đây, các gói thầu tập trung mua sắm vật tư hóa chất, vật tư y tế tiêu hao lại vướng Thông tư 08 của Bộ Y tế. Trong đó có nội dung bãi bỏ toàn bộ Thông tư 14 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập nhưng Thông tư 08 cũng không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ như thế nào sau khi bãi bỏ Thông tư 14, do đó việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa đến hồi kết.

Để nâng cao hiệu quả việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực công tác phòng chống dịch và huy động hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian tới, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách pháp luật, khắc phục bất cập, hoàn thiện hệ thống pháp luật y tế, phòng chống dịch, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đại biểu cho rằng, nếu áp dụng chính sách pháp luật trong thời bình để giải quyết, đánh giá những quyết định trong “thời chiến” thì không công bằng. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan phải tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hướng dẫn giải quyết những tồn tại.

Đồng thời, giao quyền cho HĐND các tỉnh thành căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để quyết định giải quyết những vấn đề như thanh toán, quyết toán chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch, thanh toán tiền ăn nghỉ cho nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tự nguyện; giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách liên quan đến lực lượng tham gia phòng chống dịch tại cơ sở...

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo giải quyết các tồn tại, phát sinh, khắc phục tình trạng thiếu thuốc vật tư y tế hiện nay; tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến xã; giao thẩm quyền cho các địa phương tự cân đối ngân sách, ban hành cơ chế chính sách để thu hút đào tạo, ưu đãi nguồn nhân lực y tế phù hợp với tình hình của từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguồn lực xã hội, đóng góp của nhân dân cho phòng chống COVID-19 rất to lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO