Nhiều ý kiến về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

VINH ANH 07/03/2023 19:33

(QNO) - Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai nên giao hẳn cho tòa án nhân dân hay cần có vai trò của chính quyền các cấp, đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm khi tham gia góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị sáng nay 7.3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.A
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.A

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi và góp ý về 9 nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Giải quyết tranh chấp đất đai: Có nên giao toàn bộ cho tòa án?

Tại khoản 1, điều 225 dự thảo luật nêu "Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự". Nhiều ý kiến cho rằng, quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho tòa án giải quyết sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết. Trên thực tế, nhiều vụ việc tranh chấp hiện nay có thể giải quyết sớm từ những cuộc làm việc tại UBND các cấp.

Ông Võ Nễ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An cho rằng, nếu giao toàn bộ cho tòa án thì áp lực rất lớn. Thực tế, nhiều vụ tranh chấp đất đai kéo dài 3 - 4 năm giải quyết không xong. Do đó, đề nghị giữ nguyên như trước đây, cần có vai trò của cơ quan hành chính trong giải quyết tranh chấp. Theo ông Nễ, giao hẳn cho tòa án giải quyết còn dễ xảy ra tình trạng chính quyền cấp xã buông lỏng quản lý đất đai, dẫn đến tòa án phải làm nhiều thứ thay cho chính quyền.

Ông Võ Nễ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An góp ý kiến. Ảnh: V.A
Ông Võ Nễ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An góp ý kiến. Ảnh: V.A

Trong khi đó, nhiều ý kiến lại có quan điểm thống nhất với dự thảo luật quy định. Đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, thể chế Việt Nam quy định rõ các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp. Dự thảo luật quy định rõ đầu mối giải quyết tranh chấp cho cơ quan tư pháp (tòa án) là phù hợp. Sắp đến, trên lộ trình cải cách tư pháp hướng đến chuyên nghiệp thì những áp lực, khó khăn sẽ được giải quyết.

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Chánh án Tòa án tỉnh Quảng Nam cho rằng những ý kiến lo lắng khi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chuyển toàn bộ cho tòa án là có cơ sở. Tuy nhiên những khó khăn sẽ được giải quyết tốt trong bối cảnh Luật Đất đai mới được ban hành. Tòa án tỉnh ủng hộ nội dung này của dự thảo luật. Điều này sẽ đảm bảo các yếu tố về quyền con người.

Cần ràng buộc khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh

Vấn đề thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cũng được nhiều ý kiến quan tâm của đại biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng phát biểu định hướng nội dung góp ý. Ảnh: V.A
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.A

Có ý kiến cho rằng, Khoản 1, Điều 79 dự thảo luật quy định "Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 77, 78 luật này" là chưa đủ. Đề nghị sửa đổi, bổ sung viết lại thành: "Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 77, 78 luật này. Khi dự án và chủ đầu tư có cam kết đảm bảo quyền lợi về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo sinh kế cho người sử dụng đất".

Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) thống nhất với Điều 78 dự thảo luật quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện những dự án như luật đã nêu. 

Tuy nhiên ông cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, nhân dân sống vùng dự án nhận thấy không hiệu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài nguyên, môi trường, nhiều lần phản ảnh đã được các cấp chính quyền địa phương xác nhận và đề nghị thu hồi đất chấm dứt thực hiện dự án, thì trong thời gian cụ thể hoặc chuyển mục đích dự án hoặc chấm dứt khai thác như ban đầu đặt ra.

Tránh tình trạng kéo dài như các dự án khai thác vàng, cát, sỏi… ở một số địa phương trong tỉnh đã vấp phải, chấm dứt trình trạng can thiệp vì lợi ích nhóm, cá nhân, bảo kê…

Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế - xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) góp ý kiến. Ảnh: V.A
Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) góp ý kiến. Ảnh: V.A

Góp ý Điều 85, ông Nguyễn Anh Cả cho rằng cần quy định thời hạn thực hiện cụ thể giữa cấp có thẩm quyền và người bị thu hồi đất. Tránh tình trạng chây ì thì được bồi thường hỗ trợ cao hơn so với mức bồi thường ban đầu, gây bất bình giữa cộng đồng dân cư với cấp có thẩm quyền, kéo dài thời gian thu hồi đất thực hiện dự án.

Liên quan đến thu hồi đất, ông Nguyễn Cảnh - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh đề nghị sửa Khoản 1 Điều 85. Trong đó, không chỉ “họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi” mà phải “họp phổ biến đến người có đất trong khu vực thu hồi”. Bởi trên thực tế, rất nhiều trường hợp “người dân có đất trong khu vực thu hồi” không sống tại khu vực đó.

Bảng giá đất nên xây dựng hàng năm hay cố định?

Không ít ý kiến quan tâm đến Điều 154 của dự thảo luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm (công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm) để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách và khiếu kiện khi nhà nước thu hồi đất.

 
Ông Nguyễn Cảnh - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.A 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm, 3 năm hoặc 2 năm một lần và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.

Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng việc ban hành bảng giá đất cần nhìn rộng ra bài toán kinh tế. Nếu giá đất thấp sẽ thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy, xí nghiệp. Vì rõ ràng suất đầu tư thấp thì nhà đầu tư làm ăn có lãi, công nhân có việc làm.

“Giữa thu tiền đất và thuế thì cái nào hơn, rõ ràng là thuế. Ngân sách từ thuế chứ không phải nhìn vào đất. Chung quanh câu chuyện giá đất, tôi nghe rằng đất công nghiệp giá bằng đất đô thị liền kề thì ai sẽ vào đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chuyển ra nước ngoài. Điều này đặt ra câu chuyện quản lý nhà nước về giá đất” - ông Ca cho biết.

Tranh luận về "đất thổ cư"

Tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 139 dự thảo luật quy định người sử dụng đất mà có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 135 thì diện tích đất được xác định “theo giấy tờ đó”. Thực tế tỉnh Quảng Nam thời gian qua phát sinh nhiều vướng mắc dẫn đến nhiều vụ khiếu nại kéo dài liên quan đến vấn đề này, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho những hộ dân có liên quan.

Quang cảnh hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Mặt trận tỉnh tổ chức. Ảnh: V.A
Quang cảnh hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Mặt trận tỉnh tổ chức. Ảnh: V.A

Cụ thể có nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người dân trong đó có ghi “đất thổ cư”. Đất “thổ cư”, theo cách hiểu thông thường của nhiều người là “đất ở”. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trong tỉnh không thừa nhận toàn bộ đất “thổ cư” theo giấy tờ được cấp là “đất ở”, mà chỉ thừa nhận một phần trong đó là đất ở mà thôi. Cách nhìn nhận này đã gây thiệt thòi về quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, do bồi thường không thỏa đáng.

Nội dung này cũng được nhận được nhiều ý kiến tại hội nghị. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp liên quan nội dung trên, người dân khởi kiện vụ việc ra tòa án và hầu hết đều được tòa án công nhận là đất ở. Từ thực tế quản lý sử dụng đất ở địa phương cho thấy đây là nội dung cần thiết phải được luật hóa cụ thể để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Do đó, đề nghị cần bổ sung nói rõ trong điều luật những trường hợp trên giấy tờ về quyền sử dụng đất có ghi loại đất “thổ cư: được coi là “đất ở”. Việc đồng nhất hai khái niệm “thổ cư” và “đất ở” một cách cụ thể trong dự thảo sẽ góp phần làm giảm vụ việc khiếu nại đã và đang xảy ra.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: V.A
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Quảng Nam tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: V.A

Hội nghị còn nhận được nhiều ý kiến góp ý trực tiếp và gửi nội dung bằng văn bản về bộ phận tổng hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý, báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan theo yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều ý kiến về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO