Những ngày sống trong lòng dân xứ Quảng

LÊ NĂNG ĐÔNG 03/10/2020 20:15

(QNO) - Đồng chí Tố Hữu, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế và của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thơ cách mạng lớn nhất của đất nước, dân tộc và của thời đại ở thế kỷ 20. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, mặc dù thời gian đồng chí hoạt động, gắn bó với mảnh đất và con người Quảng Nam không nhiều, nhưng những ngày được sống trong lòng dân xứ Quảng đã để lại trong ký ức nhà thơ những dấu ấn, kỷ niệm không phai mờ.

Đồng chí Tố Hữu, Trần Tống và Phạm Đức Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Năm - Đà Nẵng (từ trái sang) thăm bà Trần Thị Hiến (giữa) - người có công nuôi giấu nhà thơ Tố Hữu sau chuyến vượt ngục năm 1942. (Ảnh chụp năm 1983)
Đồng chí Tố Hữu, Trần Tống và Phạm Đức Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (từ trái sang) thăm bà Trần Thị Hiến (giữa) - người có công nuôi giấu nhà thơ Tố Hữu sau chuyến vượt ngục năm 1942. (Ảnh chụp năm 1983)

1. Ngày 14.3.1942, Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ được cơ sở tổ chức vượt ngục Đăk Glei thành công. Đến làng Rô, huyện Nam Giang, hai đồng chí được nhân dân làng Rô, trực tiếp là ông Đéh đem về nhà nuôi giấu, rồi cho người dẫn đường về Đại Lộc bắt liên lạc với cách mạng.

Đến Đại Lộc, Huỳnh Ngọc Huệ về thăm người thân ở làng Mỹ Hòa rồi ra Đà Nẵng bắt nối lại cơ sở hoạt động cách mạng. Còn Tố Hữu về nhà đồng chí Hồ Phước Hậu, sau đó về nhà cụ Trần Cảnh - thân sinh đồng chí Trần Tống (lúc này đồng chí Trần Tống còn bị giam trong nhà đày Buôn Ma Thuật), ở làng Thừa Bình, tổng Đại An (nay thuộc thôn Song Bình, xã Đại An, huyện Đại Lộc). Tại đây, đồng chí Tố Hữu bị ốm, phải nằm lại, nhờ sự che chở của gia đình cụ Trần Cảnh. Để đảm bảo an toàn, tránh sự nhòm ngó của mật thám, có lúc Tố Hữu được đưa ra ở tại miếu Thừa Bình, có lúc ở miếu Cổ Noa. Sau khi đồng chí Trần Hồng Chu - em ruột Trần Tống bị bắt, đồng chí Tố Hữu được đưa về nhà bà Trần Thị Hiến (em gái Trần Tống) ở làng Hòa Duân, tổng Đức Hạ (nay thuộc thôn Hòa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc).

Sau khi thoát khỏi sự truy lùng của kẻ thù, đồng chí Tố Hữu được vợ chồng bà Trần Thị Hiến cử người dẫn đường ra Đà Nẵng tiếp tục bắt nối và hoạt động cách mạng, kết thúc những ngày tháng gian khổ. Nhớ lại những ngày vượt ngục, được sống trong lòng dân xứ Quảng, trong hồi ký của mình đồng chí Tố Hữu đã vô cùng xúc động viết: “Thế là sau 27 ngày đi rừng về đến làng Rô, từ đó về đến Hà Tân, Quảng Huế, lên Thừa Bình được cả gia đình anh Trần Tống, từ cụ thân sinh và chị vợ anh đến vợ chồng anh chị Trần Thị Hiến và các em, các cháu trong nhà che giấu, nuôi dưỡng bảo vệ hết lòng. Suốt cả tháng trời trên đất huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tôi được an toàn vượt qua các đợt lùng sục vây ráp của quân thù, về đến Đà Nẵng, từ đây bắt đầu một thời kỳ hoạt động bí mật mới cho đến khi cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước....”.

2. Tháng 5.1945, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, được phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Công vận thành phố. Còn đồng chí Tố Hữu được phân công làm phái viên Trung ương Đảng, chỉ đạo phong trào các tỉnh miền Trung.

Đồng chí Tố Hữu (bên phải) nói chuyện với nhân dân làng Rô nhân chuyến về thăm tháng 5.1973. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Tố Hữu (bên phải) nói chuyện với nhân dân làng Rô nhân chuyến về thăm tháng 5.1973. (Ảnh tư liệu)

Đầu tháng 7.1945, các Tỉnh ủy từ Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa liên lạc với nhau và nhất trí tổ chức cuộc họp liên tỉnh bàn kế hoạch phối hợp khởi nghĩa. Đang họp thì đồng chí Tố Hữu được cơ sở liên lạc của Tỉnh ủy Quảng Nam đưa đến hội nghị. Tại hội nghị, đồng chí Tố Hữu đã phát biểu và truyền đạt nhận định của Trung ương Đảng về thời cơ cách mạng, đồng chí nhấn mạnh: “Cả nước ở giai đoạn tiền khởi nghĩa, các tỉnh phải chuẩn bị hết sức khẩn trương mới kịp đón thời cơ khởi nghĩa chung”.

Nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo những chủ trương, đường lối về giải phóng dân tộc của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12.3.1945, cùng với ý kiến truyền đạt của đồng chí Tố Hữu, nên khi thời cơ cách mạng xuất hiện cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam nhanh chóng nổ ra và giành thắng lợi trọng vẹn. Quảng Nam trở thành một trong những địa phương giành chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước.

Tháng 4.1973, đồng chí Tố Hữu - lúc này là Bí thư Trung ương Đảng - dẫn đầu phái đoàn của Trung ương Đảng vào thăm và kiểm tra tình hình chiến trường miền Nam. Sau khi thăm Tây Nguyên, đồng chí đã cùng đoàn theo đường 14 về thăm lại làng Rô. Để tưởng nhớ tấm lòng của nhân dân làng Rô, đồng chí đã tặng Già Đéh và nhân dân làng Rô chiếc radio và tấm ảnh chân dung của mình. Bên dưới tấm ảnh chân dung có ghi dòng chữ: “Kính tặng các đồng chí và đồng bào làng Rô thân yêu để nhớ lần đầu đến làng, những ngày vượt trại giam Đắk Glei vào cuối tháng 3.1942 và lần về lại thăm làng đầu tháng 5.1973”, cùng 4 câu thơ: “Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy”.

3. Sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng), đồng chí Tố Hữu đã nhiều lần về thăm Quảng Nam.

Ngày 19.1.1983, trong một lần về thăm Hợp tác xã Đại Phước, huyện Đại Lộc (Hợp tác xã Đại Phước là đơn vị giữ vững ngọn cờ đầu về phong trào thâm canh năng suất lúa trong 4 năm liền, với năng suất đạt 20 tấn/ha), biểu dương những thành tích mà hợp tác xã đạt được, đồng chí Tố Hữu đã nhấn mạnh: “Đây là bài học lớn về vấn đề thâm canh lúa mà các địa phương khác cần nghiên cứu, học tập”. Dịp này, đồng chí Tố Hữu đã đến thăm gia đình bà Trần Thị Hiến, người đã trực tiếp nuôi giấu, bảo vệ đồng chí trong những “bước đường gian nguy”.

Đặc biệt, tháng 8.1988, đồng chí Tố Hữu - lúc này là Trưởng ban Nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ - đã có chuyến thăm và làm việc tại huyện Nam Giang. Tại buổi nói chuyện, đồng chí có nhiều ý kiến góp ý về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chuyến thăm và nói chuyện của đồng chí với nhân dân huyện Nam Giang đã góp phần động viên tinh thần của cán bộ và nhân dân toàn huyện hăng hái thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

4. Mặc dù thời gian đồng chí Tố Hữu sống trong lòng dân xứ Quảng không lâu, nhưng lại là những ngày tháng để lại nhiều kỷ niệm. Trong Trường ca “Nước non ngàn dặm”, Tố Hữu đã giành nhiều đoạn viết về làng Rô, về Già Đéh, về cô gái sông My và cả người bạn - Huỳnh Ngọc Huệ, trong đó có đoạn: “… Đường đi, như sự tình cờ/ Con sông My, lại bây giờ lần theo/ Vượt tù xưa, bước gieo neo/ Cùng dòng thác ấy, ngủ treo đầu cành/ Đọt lau, rau má, vả xanh/ Đói lòng, hát khúc quân hành vẫn vui/ Nhớ thương bạn, lại bùi ngùi/ Nhớ làng Rô, nhớ người nuôi năm nào/ Ghé thăm, lòng xót xa sao!/ Bến sông lửa cháy, bom đào bãi lau/ Hỏi Già, Già mất, còn đâu/ Hỏi em, em đã từ lâu chết rồi!/ Ôi! Làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy/ Thương em, cô gái sông My/ Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng/ Anh đi, làng hỏi thăm chừng/ Làng xưa, anh vẫn nhớ từng người xa/ Hôm nay như trở lại nhà/ Bữa cơm dưa muối cũng là liên hoan/ Non cao rực rỡ ánh vàng/ Đêm rằm vằng vặc bến Giằng trăng lên…”.

Hiện nay, chiếc radio đồng chí Tố Hữu tặng nhân dân làng Rô được trưng bày trang trọng tại gươl - ngôi nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Giang. Còn tấm ảnh chân dung nhà thơ Tố Hữu được treo trang trọng tại nhà già Đeh. Hai kỷ vật được gìn giữ như để nhắc nhở con cháu và thế hệ trẻ đồng bào Cơ Tu về tấm lòng của bà con Cơ Tu đối với nhà thơ Tố Hữu nói riêng và đối với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ngày sống trong lòng dân xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO