Nỗi lo quản lý học sinh sau phân luồng, thiếu nhân lực y tế

N.Đ - X.P 07/12/2022 15:58

(QNO) - Cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, học văn hóa cho học sinh sau phân luồng; tăng cường nguồn nhân lực cho cơ sở khám chữa bệnh công lập là hai trong nhiều kiến nghị của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa X).

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển văn hóa - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: P.Đ
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển văn hóa - xã hội năm 2022. Ảnh: P.Đ

Phối hợp chặt chẽ trong phân luồng học sinh sau THCS

Tại cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (khóa XV) vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Trà Dương, Bắc Trà My) cho biết, mỗi năm toàn huyện Bắc Trà My có 50 học sinh THCS không tiếp tục học THPT do thực hiện phân luồng.

Tuy nhiên, các em tham gia các lớp đào tạo nghề rất ít. Ở địa phương các em lao động tự do phụ giúp gia đình, phụ huynh cũng không yên tâm để con mình đi học nghề xa nhà, dù đã được tuyên truyền, vận động. Đây cũng là nỗi lo lắng trong việc quản lý của địa phương, bởi các em dễ vướng vào các tệ nạn xã hội vì bị cách ly môi trường giáo dục, rèn luyện của trẻ em.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu kiến nghị cấp trên nghiên cứu tổ chức các lớp đào tạo nghề, kết hợp giữa các trường nghề với trường THPT để các em học văn hóa 1,5 năm đầu, sau đó các em tham gia học tập các trường nghề của tỉnh. Như vậy phụ huynh cũng sẽ yên tâm hơn.

Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho biết, qua làm việc tại các địa phương, đơn vị về công tác phân luồng học sinh THCS, THPT, số học sinh sau phân luồng THCS tham gia đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt dưới 50%, nhất là các huyện miền núi tỷ lệ này rất thấp.

Chủ yếu là do các em tuổi còn nhỏ, gia đình không yên tâm cho con đi học xa, nguyện vọng của đa số các gia đình muốn con em được tiếp tục hoàn thành chương trình THPT. Trong khi đó, các đơn vị khi tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề chưa quan tâm đúng mức đến công tác định hướng nghề nghiệp và nhu cầu nguyện vọng của phụ huynh, học sinh…

Chiều nay 7/12, HĐND tỉnh tiếp tục nghe UBND tỉnh trình bày các tờ trình, đề án; nghe các Ban HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các nội dung liên quan. Ảnh: Đ.P
Chiều nay 7/12, HĐND tỉnh tiếp tục nghe UBND tỉnh trình bày các tờ trình, đề án và nghe các ban HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các nội dung liên quan. Ảnh: Đ.P

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu cho hay, hiện nay phần lớn số học sinh sau phân luồng không vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hầu như các ngành liên quan và các địa phương không quản lý được.

Để thực hiện đạt mục tiêu 20% học sinh sau phân luồng THCS tham gia đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo bà Trần Thị Bích Thu, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH, ngành GD-ĐT phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về tư vấn tuyển sinh gắn với định hướng nghề nghiệp và hình thức đào tạo nghề nghiệp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, năng lực, lứa tuổi học sinh... để thu hút ngày càng tăng các em tham gia đào tạo, nhất là khu vực miền núi. Đảm bảo sau khi các em hoàn thành chương trình đào tạo sẽ đủ điều kiện về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và độ tuổi để tham gia vào thị trường lao động.

“Đồng thời, nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, học văn hóa cho học sinh sau phân luồng quy định tại Nghị quyết số 50 ngày 14/10/2022 của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để học sinh sau phân luồng tham gia học nghề gắn với học văn hóa đạt tỷ lệ theo kế hoạch, mục tiêu đề ra” - bà Trần Thị Bích Thu kiến nghị.

Thiếu nhân lực y tế

Theo báo cáo của Sở Y tế, qua 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh theo các Nghị quyết 11, 01, 39 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo 77/93 kỹ thuật chuyên sâu (chiếm tỷ lệ 82,8%) cho 77 bác sĩ; đào tạo 40/58 êkip (69%) cho 145 bác sĩ, nhân viên y tế với tổng kinh phí hơn 9,5 tỷ đồng.

Giám sát việc thực hiện các nghị quyết nêu trên, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đánh giá, thời gian qua, các chính sách đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn sâu cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022 sẽ kết thúc việc thực hiện các nghị quyết nêu trên, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế hoàn thành dứt điểm việc tổ chức đào tạo theo kế hoạch và tham mưu tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết.

Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, qua giám sát tại các địa phương, tình trạng thiếu hụt bác sĩ tại các bệnh viện chuyên khoa và trung tâm y tế huyện khá lớn, không đảm bảo chỉ tiêu bác sĩ/vạn dân theo quy định.

Trước yêu cầu bức thiết cần tăng cường nguồn nhân lực y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập, bà Thu kiến nghị UBND tỉnh căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 140 của Chính phủ để thực hiện tuyển dụng, thu hút, tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế.

Đồng thời, nghiên cứu quy định tại Quyết định số 3616 ngày 29/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và vận dụng các quy định liên quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách động viên, đãi ngộ, thu hút và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo quản lý học sinh sau phân luồng, thiếu nhân lực y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO