Tiếp nối tư tưởng canh tân

XUÂN HIỀN - THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 12/09/2022 05:41

“Phát huy các giá trị, tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại”. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”, nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của ông (9.9.1872 - 9.9.2022).

Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”, nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của ông (9.9.1872 - 9.9.2022). Ảnh: T.C
Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”, nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của ông (9.9.1872 - 9.9.2022). Ảnh: T.C

Người có “tầm nhìn trước thời đại”

Ngay trên đất Quảng - nơi quê nhà cụ Phan, một cuộc “nhìn lại” về hành trạng và cuộc đời của một con người vĩ đại thu hút rất đông sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những ai yêu quý, tôn kính nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Là một cuộc hội thảo khoa học về nhân vật trong lịch sử, nhưng hình như, mỗi một câu chuyện, một góc nhìn lại chứa đựng những ấm nóng của tinh thần thời đại, của hiện tại.

PGS-TS.Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, Phan Châu Trinh là ngọn cờ dân chủ mạnh mẽ nhất, tiêu biểu cho trào lưu canh tân đất nước vào đầu thế kỷ 20. Học thuyết Tam dân “Chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh” là một sáng tạo được áp dụng đầu tiên tại Quảng Nam ngay trong buổi đầu ông từ quan về quê hoạt động yêu nước, rồi lan tỏa ra cả nước trở thành Phong trào Duy tân.

“Công việc đầu tiên là chấn dân khí để xóa đi mặc cảm tự ti của người dân nô lệ, biết ý thức, trách nhiệm của mình đối với vận mệnh dân tộc để cùng chung sức gánh vác. Chấn dân khí thực sự có hiệu quả khi người dân hiểu đầy đủ sứ mệnh của mình thông qua quá trình khai dân trí trong môi trường học vấn tân tiến. Hai điều trên là tiền đề đảm bảo cho công cuộc hậu dân sinh nhằm xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới, là kết quả của quá trình canh tân theo hướng dân chủ” - PGS-TS.Đỗ Bang nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói, nhiều ý kiến đánh giá cụ Phan Châu Trinh là người đi trước thời đại, nhưng một cách chính xác hơn, phải gọi Phan Châu Trinh là người có tầm nhìn trước thời đại.

“Cụ đã có tầm nhìn xa. Nhìn xa để thấy cái mà bây giờ chúng ta đang chứng kiến. Và khi mà chúng ta đã vượt qua được cái “ngưỡng” giành độc lập dân tộc rồi, thì những vấn đề căn bản nhất của Phan Châu Trinh (tiếp tục) được đặt ra trên bàn nghị sự của đời sống.

Ngày hôm nay chúng ta, trong công cuộc đổi mới, khi đất nước đã độc lập chính là môi trường để chúng ta trở lại với tư tưởng Phan Châu Trinh. Công cuộc đổi mới tôi nghĩ chính là canh tân.

Tất cả yếu tố mà Phan Châu Trinh đưa ra gần một thế kỷ rồi, bây giờ đang trở lại với đời sống của chúng ta, tất nhiên dưới một góc nhìn mới. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cũng chính là câu chuyện đổi mới về vấn đề giáo dục, vấn đề lấy con người làm trung tâm cũng như làm sao để kịp sự phát triển của thế giới” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Kế thừa di sản

Tư tưởng cụ Phan để lại được xem như một “di sản vô giá”. Làm thế nào để có thể phát huy và kế thừa di sản này, chính là trách nhiệm của những lớp người sau.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: C.H
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: C.H

PGS-TS.Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị khu vực 3) cho rằng, trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, muốn khai dân trí, chấn dân khí thì phải đổi mới giáo dục. Bởi chỉ có giáo dục mới thay đổi được thân phận cho mỗi người và thay đổi vị thế quốc gia, và đấy phải là một nền giáo dục mới tiếp cận với văn minh các nước tiên tiến, không chỉ cho một số ít mà phải là nền giáo dục quốc dân.

Theo PGS-TS.Nguyễn Văn Đăng - Đại học Khoa học Huế, vai trò của Phan Châu Trinh như là một trong những người khai lập cho tư tưởng dân chủ vào Việt Nam và ông cũng là một thành tựu của quá trình vận động tư tưởng, ghi nhận từ phong trào Duy tân ngay ở đất Quảng.

“Phải có các nhà duy tân, chúng ta mới được làm quen với những lý thuyết mới, những nhân vật mới trên khắp toàn cầu. Người Việt có thể tiệm cận và tiếp thu một vài tư tưởng văn minh thời bấy giờ. Và có lẽ cũng nhờ các cuộc duy tân sau này, chúng ta mới thực sự được tiếp xúc với khoa học, kỹ thuật và nhất là với khuynh hướng thực nghiệp” - PGS-TS.Nguyễn Văn Đăng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, những di sản mà Nhà yêu nước Phan Châu Trinh để lại cho hậu thế là bài học sâu sắc và hết sức thiết thực, đó là tấm lòng suốt đời trọn vẹn vì nước, vì dân.

Quan điểm Duy tân về học thuật; chủ nghĩa yêu nước, vai trò của sĩ phu với thời cuộc; tinh thần không ngừng tự học, tự vươn lên, luôn bắt nhịp và hướng tới những giá trị mới mẻ của các nền văn minh cao hơn, phù hợp với xu hướng chung của nhân loại...

“Quảng Nam trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thấm nhuần tư tưởng của các bậc tiền bối và tư tưởng canh tân quê hương, đất nước. Con người xứ Quảng luôn cầu thị, hiếu học, đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, không cam chịu lạc hậu, đói nghèo, đoàn kết đồng lòng đưa Quảng Nam 25 năm qua từ một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.

Đẩy mạnh tinh thần đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo cũng như tiếp tục có những chính sách, chiến lược, đề án đột phá... nhằm hoàn thiện một diện mạo Quảng Nam phát triển là mục tiêu mà Quảng Nam nỗ lực mỗi ngày. Điều này, bàng bạc tinh thần và tư tưởng canh tân - di sản mà cụ Phan đã đau đáu trọn đời...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp nối tư tưởng canh tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO