Tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân

HÀN GIANG 11/05/2022 13:54

(QNO) - Sáng nay 11.5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện dân chủ ở cơ sở và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước;  Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Thị Bảo Trinh chủ trì buổi tiếp xúc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề sáng nay 11.5. Ảnh: N.Đ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề sáng nay 11.5. Ảnh: N.Đ
Tham gia góp ý, ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ các quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ cần phải thể chế hóa một cách đầy đủ trong dự thảo luật.

Đó là các quan điểm “dân là gốc”, dân là chủ thể, dân là trung tâm; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Theo ông Hùng, dự thảo luật chưa thể chế hóa một các đầy đủ các quan điểm trên. Trong đó, có phương châm “dân thụ hưởng”; vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân…

Ngoài đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục thể chế hóa các nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng cho rằng cần nghiên cứu bổ sung một điều luật (sau Mục 5 chương II) để thể chế hóa cơ chế “dân thụ hưởng” vào dự thảo.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu góp ý vào nội dung dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: N.Đ
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu góp ý vào nội dung dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: N.Đ

Cụ thể, nội dung của điều luật này quy định rõ chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh mạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa tình trạng người dân phải “xin - cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Bảo đảm và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội… đối với nhân dân địa phương.

Đặc biệt, quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị và giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân một cách dứt điểm, kịp thời và hiệu quả.

Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ tận tình phục vụ hân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân.

“Luật phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc phải bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng.

Quy định hàng năm tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã” – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng phát biểu.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề sáng nay 11.5. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề sáng nay 11.5. Ảnh: N.Đ

Nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo luật cho rằng, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là tất yếu khách quan, nhằm tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân và cụ thể hóa quan điểm “dân là gốc”, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ông Dương Văn Chí – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ đề nghị dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm của nhân dân. Bởi nhân dân là chủ thể cao nhất, trong khi dự thảo mới quy định trách nhiệm của chủ thể cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị cấp xã.

Còn theo bà Dương Thị Thanh Hiền – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, việc mở rộng dân chủ trong nhân dân là rất cần thiết. Song bà Hiền cũng băn khoăn về việc phát sinh thêm các thủ tục hành chính liên quan; trong khi nhân lực ở cơ sở ngày càng ít đi thì có thể sẽ dẫn đến tính hình thức trong việc thực hiện các bước, quy trình để lấy ý kiến nhân dân – đối tượng chịu tác động khi UBND cấp xã ban hành quyết định hành chính hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý lần đầu đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của các đại biểu. Đồng thời cho rằng, các ý kiến tâm huyết tiếp cận ở nhiều góc độ đã phản ánh được thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị các đại biểu tiếp tục góp ý bằng văn bản, hoặc thông qua hộp thư góp ý xây dựng luật mà đoàn ĐBQH tỉnh sẽ xây dựng nhằm có thêm nhiều thông tin, ý kiến sâu sắc mang hơi thở thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để tiếp thu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, ĐBQH tỉnh cũng có cơ sở nghiên cứu, tham gia góp ý chất lượng vào việc xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước cho biết, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự thảo Luật có 7 chương, 74 điều, gồm các nội dung cơ bản về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra nhân dân. Trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO