Viện trợ phi chính phủ nước ngoài: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

VINH ANH 30/05/2022 05:36

Những vướng mắc, khó khăn trong công tác phi chính phủ nước ngoài đã được UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào cuối tuần qua.

UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ảnh: V.A
UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ảnh: V.A

Tác động từ Covid-19

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Kim - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, 2 năm qua, Quảng Nam tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đạt hơn 462 tỷ đồng, thông qua 281 chương trình, dự án và phi dự án.

Sáu tháng đầu năm 2022, Quảng Nam tiếp nhận 21 khoản viện trợ với kinh phí tài trợ hơn 41 tỷ đồng, giảm 16 khoản viện trợ so với cùng kỳ năm 2021.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng ban Điều phối viện trợ PCPNN thừa nhận, nhiều quy định hiện hành liên quan đến công tác PCPNN đang tạo ra những rào cản không cần thiết, do đó hiện nay các văn bản pháp quy liên quan PCPNN đang có sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, có 55 tổ chức PCPNN đến hoạt động trên địa bàn tỉnh và 54 tổ chức, cá nhân nước ngoài khác hoạt động tại địa phương.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong hơn 2 năm qua khiến tổ chức PCPNN gặp khó khăn trong việc vận động tài chính dẫn đến một số tổ chức đã kết thúc hoạt động hoặc thu hẹp địa bàn, lĩnh vực hoạt động tại Quảng Nam. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chương trình, dự án, phi dự án.

Trước đây trung bình hàng năm, tỉnh cho phép khoảng 250 đoàn khách thuộc các tổ chức PCPNN, tổ chức quốc tế với khoảng 2.500 lượt khách là các nhà tài trợ, các chuyên gia, tình nguyện viên người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến hoạt động tài trợ, từ thiện xã hội, hỗ trợ kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, hỗ trợ khắc phục thiên tai, xây dựng nhà ở...

Tuy nhiên, do dịch Covid-19, năm 2021, tỉnh chỉ cho phép 43 đoàn khách thuộc các tổ chức PCPNN, tổ chức quốc tế với 211 lượt khách đến thăm và làm việc tại tỉnh. Đầu năm 2022 đến nay, có 55 đoàn khách với 279 lượt khách đến thăm và làm việc.

Rào cản do thủ tục

Cùng với các nguồn đầu tư nước ngoài khác, nguồn viện trợ PCPNN được đánh giá đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác PCPNN vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân chính chủ yếu ở thủ tục hành chính.

UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ảnh: V.A
UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ảnh: V.A

Theo Sở Ngoại vụ, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN theo Nghị định số 12 (ngày 1.3.2012) của Chính phủ về đăng ký và quản lý về hoạt động PCPNN tại Việt Nam còn bất cập.

Chẳng hạn, theo Nghị định số 12, các bộ, ngành, địa phương và đối tác Việt Nam không được triển khai hợp tác với các tổ chức PCPNN khi chưa có giấy đăng ký theo quy định. Nhưng Nghị định số 80 (ngày 8.7.2020) thì các tổ chức này vẫn được phép triển khai các hoạt động viện trợ, do đó gây khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng địa phương.

Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt các khoản viện trợ theo Nghị định số 50 (ngày 20.4.2020) của Chính phủ “quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai” còn phức tạp, rườm rà, nhất là các khoản viện trợ có nguồn kinh phí ít nhưng thủ tục còn nhiều.

Ngoài ra, nhiều khó khăn cũng đến từ nguyên nhân chủ quan khi một số địa phương chưa bố trí cán bộ chuyên trách lĩnh vực đối ngoại nói chung và công tác PCPNN nói riêng, dẫn đến lúng túng trong công tác tham mưu giải quyết các thủ tục tiếp nhận các dự án, chương trình viện trợ, cũng như hướng dẫn các tổ chức tài trợ thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước.

Công tác PCPNN ở một số địa phương do các tổ chức hội thực hiện, thiếu sự giám sát của cơ quan đầu mối quản lý nhà nước. Công tác xúc tiến vận động viện trợ PCPNN chưa chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn về nhu cầu, định hướng ngành, lĩnh vực và dự án cơ hội để kêu gọi thu hút nguồn vốn...

Liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng đối với một số chương trình, dự án PCPNN cấp thiết cần có cơ chế để địa phương “vượt đèn đỏ”.

Có những vấn đề cần đảm bảo theo quy định nhưng có những chương trình, dự án không xâm hại đến lợi ích quốc gia dân tộc thì cũng nên “cởi trói”. Thủ tục trong tiếp nhận viện trợ PCPNN cũng nên ngắn gọn...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiến nghị Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN cần chủ trì để các địa phương có điều kiện tìm hiểu thực tế trong và ngoài nước về vận động viện trợ PCPNN.

Thời gian đến, Quảng Nam sẽ tập trung vừa “giữ chân” những tổ chức đã đến làm việc, đồng thời có kế hoạch xúc tiến, vận động thêm nhiều tổ chức PCPNN đến địa phương. Quảng Nam sẽ cầu nối giới thiệu các tổ chức PCPNN, đặc biệt là các tổ chức có năng lực, tinh thần cao thượng, vô tư... đến tìm hiểu, triển khai chương trình dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viện trợ phi chính phủ nước ngoài: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO