Võ Chí Công - Tấm gương người cộng sản mẫu mực, sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân

N.ĐOAN - T.CÔNG - V.ANH 06/08/2022 12:06

(QNO) - Đồng chí Võ Chí Công - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi, tự rèn luyện, luôn sâu sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó mật thiết nhân dân, lấy sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Nhiều tham luận tập trung phân tích, luận giải và làm sáng tỏ những cống hiến, đóng góp của đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: P.V
Nhiều tham luận tập trung phân tích, luận giải và làm sáng tỏ những cống hiến, đóng góp của đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: P.V

Đó là một trong nhiều phân tích và luận giải sâu sắc tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam” diễn ra sáng nay 6.8. Với 44 tham luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, hội thảo làm sáng tỏ thêm về thân thế, sự nghiệp, hoạt động, cống hiến của đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam “trung dũng, kiên cường”.

Ảnh hưởng từ truyền thống gia đình

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, kiên cường chống ngoại xâm, điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều và trực tiếp đến tư tưởng yêu nước, sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Võ Chí Công.

Ông Vũ Ngọc Hoàng phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: P.V
Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: P.V

Chia sẻ làm sâu sắc hơn cho nhận định này, theo ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cụ Võ Dương - thân sinh đồng chí Võ Chí Công, là đảng viên cộng sản đầu tiên cùng với hai người con trai của mình là Võ Oanh và Võ Toàn (tức Võ Chí Công) lập chi bộ Đảng ở Khương Mỹ. Đây là một trong số các chi bộ ra đời rất sớm ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Giai đoạn đầu, trong gia đình đồng chí Võ Chí Công có 3 anh em ruột nối nhau làm bí thư chi bộ, đó là đồng chí Võ Chí Công, Võ Oanh là anh ruột của Võ Chí Công và Võ Quý là em ruột của đồng chí Võ Chí Công.

Lúc sinh thời, cụ Võ Dương, là người Nho học và có biết khá về chữ Quốc ngữ. Khi đồng chí Võ Chí Công lên 6, 7 tuổi, ông cụ thân sinh đã hết lòng dạy bảo về chữ Quốc ngữ và chữ Hán, khi lên 8 tuổi ông cho đi học ở một trường tư, gửi cho một thầy giáo thân quen có tư tưởng chống Tây, yêu nước đầy tâm huyết.

Căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5, nơi gắn liền với giai đoạn hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công
Căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5, nơi gắn liền với giai đoạn hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: P.V

Cụ Võ Dương luôn quan tâm dạy bảo con trai của mình về đạo làm người, trung hiếu, có nhân, có đức, lấy đức làm gốc; dạy tinh thần yêu nước, thương dân. Khi đồng chí Võ Chí Công lên chín, mười tuổi, cụ Võ Dương đã kể cho đồng chí nghe về việc ông nội tham gia phong trào Cần Vương và Nghĩa hội, cuộc khởi nghĩa Văn Thân của các sĩ phu, các nhà yêu nước, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp cứu nước…

Ông Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ, trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Chí Công rất nhiều đoạn đã dành tình cảm đặc biệt quý trọng người cha thân yêu, vừa là người ruột thịt hết lòng với con cái, mà trước hết là tấm lòng với nước non, còn là người thầy dẫn dắt lúc ban đầu theo con đường cách mạng. Đồng chí kể lại, khi còn nhỏ, mỗi lần cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Võ Dương gặp nhau, trao đổi ý kiến về trách nhiệm và nghĩa vụ, thì đồng chí luôn tìm cách đến gần để chăm chú lắng nghe và các cụ cũng cố tình để cho đồng chí nghe.

Mãi là tấm gương sáng

Từ sau ngày Đà Nẵng giải phóng năm 1975, đồng chí Võ Chí Công chuyển công tác ra Trung ương, được phân công giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước như Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng đồng chí vẫn luôn dành thời gian về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và TP.Đà Nẵng.

Hội thảo thu hút sự tham gia của 44 tham luận giá trị về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những đóng góp của đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: P.V
Hội thảo có 44 tham luận về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những đóng góp của đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: P.V

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho hay, ngày 30.12.1987 đến ngày 7.1.1988, tại Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Chí Công được nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quá trình tổ chức lãnh đạo và triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí biểu dương những cố gắng lớn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, đồng thời động viên cần phấn đấu hơn nữa để thực hiện tốt hơn việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, khai thác tốt tiềm năng lao động, đất đai, sản xuất để đưa tỉnh ngang tầm với các trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước và khu vực.

Một góc “khu rừng bác Năm Công” tại Nam Trà My. Ảnh: P.V
Một góc “khu rừng bác Năm Công” tại Nam Trà My. Ảnh: P.V

Trong những lần về thăm và làm việc tại Đà Nẵng, đồng chí Võ Chí Công luôn hỏi thăm các đồng chí lão thành cách mạng, các gia đình có công với nước, thăm vùng căn cứ. Đồng chí luôn động viên, nhắc nhở Đảng bộ tỉnh và thành phố Đà Nẵng phải thật sự đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, động viên họ vượt qua khó khăn để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết bày tỏ: Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công sẽ mãi mãi là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ trong cả nước học tập và noi theo.

“Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng luôn ghi nhớ những đóng góp của đồng chí trong những bước ngoặt lịch sử quan trọng của thành phố, đó là tiền đề để thành phố có điều kiện hoà bình, xây dựng và phát triển như ngày hôm nay” – ông Triết nói.

Bác Năm Công. Ảnh tư liệu
Bác Năm Công. Ảnh tư liệu

Cống hiến to lớn cho sự nghiệp đổi mới

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Minh Trưởng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích về những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.

“Thời gian sẽ qua đi, nhưng tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam mãi được ghi tạc vào lịch sử dân tộc. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhà lãnh đạo tiên phong trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam” - PGS.TS Trần Minh Trưởng đúc kết.

Hội thảo là một trong những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: P.V
Hội thảo là một trong những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: P.V

PGS.TS Trần Minh Trưởng cho rằng, trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Võ Chí Công đã có sự chỉ đạo và hoạt động tích cực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Theo nhận định của đồng chí, tình hình đất nước sau khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tuy đã có những chuyển biến nhất định, nhưng vẫn còn vô vàn khó khăn, nhất là vẫn đang bị bao vây, cấm vận. 

Để tạo dựng không gian hòa bình và giảm bớt gánh nặng chi phí quân sự cho đất nước, đồng thời xóa bỏ mọi luận điệu xuyên tạc về quan hệ Việt Nam - Campuchia, đồng chí Võ Chí Công đã cùng tập thể Bộ Chính trị quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia (tháng 9.1989).

Động thái của Việt Nam đã có tác động mạnh đến các mối quan hệ quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Ngày 30.7.1989, Hội nghị Pari về Campuchia được triệu tập với 17 nước tham gia, hé mở cánh cửa hòa bình trong khu vực, đồng thời cũng mở đường cho việc xóa bỏ bao vây, cấm vận của Mỹ và tạo cơ sở cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991).

[Video] - Quang cảnh Hội thảo “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam”

Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; lắng nghe ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng hiến pháp của một số nước để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi hiến pháp, đồng chí kiên trì đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Ông Lê Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu bế mạc tại hội thảo. Ảnh: P.V
Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu bế mạc tại hội thảo. Ảnh: P.V

Với những đóng góp tích cực và to lớn của Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp Võ Chí Công, ngày 15.4.1992, bản Hiến pháp (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa VIII thông qua, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hiến pháp 1992 làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên hội nhập quốc tế, ổn định và phát triển.

Đồng chí Võ Văn Kiệt chúc mừng đồng chí Võ Chi Công tròn 90 tuổi. Ảnh tư liệu
Đồng chí Võ Văn Kiệt chúc mừng đồng chí Võ Chi Công tròn 90 tuổi. Ảnh tư liệu

Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam” được tổ chức trang trọng trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. 

"Hội thảo là việc làm có ý nghĩa thiết thực để chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân, làm rõ thêm về con người và những cống hiến của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với dân tộc và quê hương Quảng Nam. Bổ sung tư liệu về cuộc đời của đồng chí; góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay" - đồng chí Phan Xuân Thủy nói. 

[Mời bạn đọc theo dõi thông tin liên quan về hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam” và các sự kiện nhân 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công trên website baoquangnam.vn].

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Võ Chí Công - Tấm gương người cộng sản mẫu mực, sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO