Vùng Tây Quảng Nam được đầu tư lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

DIỄM LỆ 14/12/2022 16:50

(QNO) - Chiều nay 14/12, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam nhằm đánh giá lại kết quả hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnhQuảng Nam họp đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022 vào chiều nay, 14/12. Ảnh: D.L
Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam họp đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022 vào chiều nay, 14/12. Ảnh: D.L

Thực hiện đồng bộ các nhóm dự án

Theo báo cáo của ban chỉ đạo, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định để triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37/2021/NQ-HĐND của HĐND.

Qua đó, đã tuyên truyền, quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 12-NQ/TU, Nghị quyết 37/2021/NQ-HĐND nhằm quán triệt đến các ngành, các cấp nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội miền núi đến năm 2025.

Toàn tỉnh đã tập trung thực hiện các nhóm dự án phát triển vùng Tây Quảng Nam. Đối với nhóm dự án bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ, đến nay, diện tích rà soát, bổ sung vào chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong năm 2022 là hơn 28.900ha; đã có 10 địa phương, đơn vị đề nghị phân bổ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách hỗ trợ tỉnh để triển khai trong năm 2022 với tổng diện tích là 197.793ha, nhu cầu kinh phí hơn 40.782 triệu đồng; UBND tỉnh đã phân bổ 20.393 triệu đồng (50% nhu cầu) để triển khai thực hiện.

Nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu, tổng kế hoạch vốn bố trí thực hiện hơn 50,2 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 28,1 tỷ đồng. 

Trong năm 2022 đã hỗ trợ sắp xếp dân cư cho 345 hộ/kế hoạch 595 hộ và 3 hộ di dời chỉnh trang tại chỗ, gồm 154 hộ xen ghép và 171 hộ tập trung, trong đó có 325 hộ di dời khẩn cấp do thiên tai. Trong đó một số huyện có tỷ lệ thực hiện/kế hoạch mức khá trở lên gồm Nam Trà My (74%) Nam Giang (89,2%), Đông Giang (89,6%), Bắc Trà My (93,6%), Hiệp Đức (78,5%), Tiên Phước (78%).   

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp. Ảnh: D.L
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp. Ảnh: D.L

Nhóm dự án về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm, năm 2022, tổng vốn đầu tư trên địa bàn 9 huyện miền núi hơn 2.206 tỷ đồng (chiếm 31% vốn đầu tư toàn tỉnh), trong đó ngân sách Trung ương hơn 975,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1.231 tỷ đồng, tập trung bố trí thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh, ưu tiên thanh toán khối lượng cho 24 công trình hoàn thành, 63 công trình chuyển tiếp và khởi công mới 18 công trình. 

Tiếp tục đầu tư hoàn thành các khu tái định cư miền núi, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu, các công trình giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở miền núi, bảo vệ phát triển rừng, tăng cường năng lực PCCC rừng, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa phận các huyện miền núi… tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất và lưu thông hàng hóa của người dân.

Nhóm dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại những bước chuyển ban đầu trong việc sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi của nhân dân.

Nhóm dự án về phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao đã thu hút được một số dự án của nhà đầu tư, đang trong giai đoạn thẩm định. Ngoài ra, các địa phương đã thu hút đầu tư phát triển du lịch miền núi, xây dựng các làng văn hoá nhằm kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống bản địa để phát triển du lịch, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, phát triển các mô hình làng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...

Nhiều khó khăn

Theo đánh giá của ban chỉ đạo, đến nay, một số nhiệm vụ đề ra theo chương trình công tác chưa hoàn thành do còn hạn chế về nguồn lực và chưa phù hợp về mặt thời gian còn phụ thuộc vào việc ban hành chính sách của Trung ương nên cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và chuyển sang năm 2023 tiếp tục thực hiện. Do có sự khác nhau về xuất phát điểm của từng địa phương, tuy nhiên chỉ tiêu nghị quyết lại chung cho 9 huyện miền núi nên chưa đánh giá sát được kết quả thực hiện chỉ tiêu của từng địa phương.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách chưa thật sự hiệu quả vẫn còn một số khó khăn hạn chế.

Việc sắp xếp dân cư ở miền núi còn khó khăn. Ảnh: D.L
Việc sắp xếp dân cư ở miền núi còn khó khăn. Ảnh: D.L

Việc giải ngân cho công tácsắp xếp dân cư ở miền núi còn chậm, quỹ đất để sắp xếp dân cư gặp khó khăn về mặt bằng, nguồn lực còn hạn chế.

Việc thực hiện thí điểm các dự án hạ tầng đến vùng nguyên liệu tiến hành trong giai đoạn 2021 - 2023, do vậy đến nay hầu hết các dự án chưa hoàn thành, có dự án chưa triển khai do vướng công tác giải phóng mặt bằng hoặc tạm dừng thi công. Nguyên nhân do một số dự án vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, tình hình biến động giá vật liệu đầu năm 2022, thời tiết mưa nhiều…; do vậy đến nay chưa đánh giá được kết quả phát triển vùng nguyên liệu.

Việc đầu tư khu xử lý rác thải các địa phương còn lúng túng về trình tự thủ tục do chưa có quy định cụ thể.

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định rằng 23 chỉ tiêu trong phát triển vùng Tây cần xác định tổ chức triển khai 23 chỉ tiêu ra sao, có sự so sánh tích cực lên hay khó khăn thêm, cần có giải pháp gì cho đạt... Các thành viên Ban chỉ đạo tham mưu giải quyết những nội dung cần đến sự vào cuộc của Ban chỉ đạo. Chương trình công tác năm 2023 phải bám sát các chỉ tiêu đã đặt ra, gộp lại là 5 nhóm nhiệm vụ chính cần có giải pháp cho từng nhóm, tác động đến sự phát triển của vùng Tây Quảng Nam. 

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều đề án, chính sách, tập trung nguồn lực cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số, miền núi phía Tây của tỉnh. Nguồn lực đầu tư lớn với nhiều đề án, dự án đã được ban hành nhằm tìm những định hướng cho khu vực này. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần phải có những giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển của vùng Tây trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng Tây Quảng Nam được đầu tư lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO