Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

N.ĐOAN - T.CÔNG 10/06/2022 16:04

(QNO) - Phát biểu bế mạc hội nghị đóng góp ý kiến của các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (gọi tắt đề án), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án đánh giá cao và ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu. Và đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Tổ biên tập nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo đề án sau hội nghị này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.Đ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.Đ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quá trình xây dựng đề án đã đạt được sự thống nhất cao về những vấn đề khoa học, lý luận và thực tiễn chính trị - pháp lý cốt lõi, quan trọng về nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để đưa vào dự thảo dề án.

Theo đó, Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật để đảm bảo bản chất dân chủ của nhà nước.

Chủ trì điều hành thảo luận, góp ý vào dự thảo Đề án“Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Ảnh: C.Đ
Chủ trì điều hành thảo luận, góp ý vào dự thảo Đề án“Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Ảnh: C.Đ

Trao đổi về các vấn đề liên quan được đại biểu quan tâm thảo luận, góp ý, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: Tinh thần xây dựng Nhà nước dân chủ, thượng tôn pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 và đã được Đảng ta kiên định, không ngừng củng cố, phát triển, kết hợp với vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế để hình thành nên đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thể hiện rõ nét trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 và Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Đến nay, sau 10 năm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với những kết quả tích cực, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà Đảng ta đã đề ra và kiên trì thực hiện trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên tắc, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của nhà nước pháp quyền, mang định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa mang những giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền hiện đại trên thế giới (về tinh thần dân chủ, nhân quyền, thương tôn Hiến pháp và pháp luật), vừa có những đặc trưng của chế độ xã hội XHCN.

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả.

Có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Công bằng, công lý được thực thi; sự tôn nghiêm của Hiến pháp được khẳng định; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Pháp luật quốc tế được tôn trọng, thực thi trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc và tích cực đóng góp vào hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Đại biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: C.Đ
Đại biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: C.Đ

Chủ tịch nước nhấn mạnh, quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân giao phó. Chúng ta cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước là để phân công lại và tổ chức thực thi quyền lực đó một cách hợp lý, hiệu quả hơn, có điều kiện kiểm soát tốt hơn, chống tha hóa quyền lực, chống lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực, tăng cường công khai, minh bạch để nhân dân có điều kiện thực hiện ngày càng đầy đủ hơn quyền làm chủ của mình đối với Nhà nước và xã hội.

Về lộ trình thực hiện, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án thống nhất đề xuất phân định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo 2 giai đoạn: Từ nay đến năm 2030 xác định và tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong khuôn khổ Cương lĩnh phát triển đất nước năm 2011 và Hiến pháp năm 2013.

Giai đoạn 2 từ sau năm 2030 đến năm 2045, sẽ tiếp tục thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn của Chiến lược đã đề ra và triển khai những định hướng mới để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam gắn liền với sự kiện sửa đổi Cương lĩnh và Hiến pháp.

“Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có tầm quan trọng rất đặc biệt đối với sự phát triển của nước ta. Hiện nay, chúng ta đang có những thời cơ, điều kiện rất thuận lợi, chín muồi để tạo được những bước đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO