(QNO) - Với việc ngày càng có nhiều nhà sản xuất để tâm đến AI, thiết kế phần cứng chuyên dụng để xử lý tác vụ phức tạp này sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu bây giờ có phải thời điểm thích hợp?
Apple A11 Bionic, một trong những vi xử lý đầu tiên trên thế giới sở hữu phần cứng chuyên dụng cho AI |
Trước hết cần làm sáng tỏ một khái niệm. “AI (Artificial Intelligent) chip” là một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu dùng để ám chỉ các bộ phận vi xử lý đảm nhiệm tác vụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nhưng đồng thời cũng là một thuật ngữ thiếu chính xác. Trong trường hợp của Huawei và Apple, thứ mà hai hãng sản xuất đưa ra không phải là một con chip đơn lẻ, mà là một bộ vi xử lý chuyên dụng nằm trong một SoC (System on a Chip), ví dụ như chip A11 Bionic trên iPhone 8 của Apple vốn dĩ đã sở hữu nhiều thành phần chuyên biệt đảm nhận phần việc khác như xử lý đồ họa và tín hiệu ảnh chụp, nên tích hợp thêm vài lõi cho AI là lựa chọn hợp lý hơn.
Tại sao chúng ta cần chip AI?
Câu trả lời tương đối đơn giản: Vi xử lý truyền thống xuất hiện trên smartphone, laptop và máy tính để bàn không phù hợp cho yêu cầu xử lý machien learning và nếu bị bắt buộc làm việc sẽ chỉ khiến vi xử lý tăng nhiệt độ, giảm hiệu năng và gây tiêu hao pin.
Công nghệ AI đương thời yêu cầu vi xử lý phải thực hiện rất nhiều phép tính nhỏ trong thời gian cực ngắn, nhưng CPU hiện tại chỉ có từng đó “lõi”, và dù có ép cũng không thể hoàn thành tác vụ nhanh được. Đó cũng là lý do vì sao ngành công nghiệp luôn dành sự chú ý đặc biệt cho GPU (đơn vị chuyên xử lý đồ họa) vốn được thiết kế để “gánh bớt” cho CPU các tác vụ xử lý đồ họa.
Quay trở lại vấn đề về chip AI, việc nhồi nhét hàng ngàn lõi vào một con chip để cải thiện khả năng xử lý AI sẽ không thể thành hiện thực. Nhưng điều các nhà sản xuất có thể làm là sử dụng một kiến trúc khác để tăng đáng kể khối lượng công việc mà một vi xử lý có thể thực hiện đồng thời. Gary Brotman, trưởng bộ phận AI và machine learning của Qualcomm cho biết: “Tôi nghĩ rằng song song hóa chính là chìa khóa”. Tuy nhiên ông nhanh chóng lưu ý thêm rằng đơn vị xử lý chuyên dụng cho AI không phải con đường duy nhất, bởi nhiều phân khu trong kiến trúc một vi xử lý cũng có thể được tích hợp để xử lý tác vụ AI.
Chúng ta được lợi gì từ chip AI?
Ngoài lợi ích về tốc đỗ xử lý ưu việt do phần cứng chuyên dụng đem lại - dẫn tới hiệu năng toàn diện cũng như thời lượng pin được cải thiện, chip AI còn có thể giúp nâng cao bảo mật và riêng tư của người dùng cũng như nhà phát triển.
On-device AI - AI được xử lý ngay trên thiết bị đồng nghĩa với hiệu năng và riêng tư được cải thiện. Đầu tiên là riêng tư, hiện tại, các tác vụ machine learning đều gửi dữ liệu người dùng về máy chủ để thực hiện phân tích. Một số ông lớn như Apple hay Google đã tìm ra cách tích hợp các phép tính toán này trực tiếp trên điện thoại, nhưng công nghệ này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Việc sở hữu một phần cứng chuyên dụng ngay trên thiết bị để xử lý AI có nghĩa rằng rủi ro về việc dữ liệu người dùng bị rò rỉ hoặc bị hack sẽ không còn. Về phía các nhà phát triển, nếu người dùng không cần gửi dữ liệu về đám mây mỗi vài giây và có thể truy cập dữ liệu offline thông qua chip AI, đồng nghĩa với việc nhà phát triển không cần trả tiền cho máy chủ đề duy trì dịch vụ nữa.
Vậy chip AI đã thực sự sẵn sàng?
Đáng tiếc rằng, chỉ bởi vì một smartphone được hỗ trợ chip AI không có nghĩa rằng ứng dụng và dịch vụ chạy AI đã hoàn toàn có thể tận dụng được sức mạnh đó.
Nhà phân tích Anthony Mullen của Gartner cho biết “Sẽ còn phải đợi một thời gian nữa trước khi chúng ta có thể phát triển phần mềm cũng như trải nghiệm sử dụng phần cứng này. Cho tới lúc đó sẽ chỉ xuất hiện sự hợp tác riêng lẻ giữa nhà sản xuất và bên thứ ba”. Thật vậy, Microsoft đang cộng tác với Huawei cho một ứng dụng dịch còn Facebook đang làm việc sát sao với Qualcomm để đảm bảo tốc độ tải bộ lọc thực tế tăng cường của mình được nhanh nhất.
Nhưng đó chỉ là một số ít các “ông lớn” công nghệ có đủ tiềm lực tài chính cũng như thời gian theo đuổi AI, các nhà sản xuất cỡ vừa và nhỏ khác, sẽ phải đợi một tương lai nền tảng AI được phổ cập hóa hoàn toàn.
Sau cùng, liệu tôi có cần chip AI trên điện thoại không?
Không hẳn, các nhà sản xuất đã và đang cố gắng hết sức để tối ưu hóa trải nghiệm AI trên phần cứng hiện hành. Trong cả hai trường hợp của Huawei và Apple, phần cứng AI chuyên dụng chỉ nhằm giúp điện thoại của các hãng này thực hiện một số tác vụ nhất định. Với Apple là Face ID và animoji, còn với Huawei là machine learning giúp thiết bị duy trì tốc độ xử lý như thời điểm mở hộp.
Lẽ đương nhiên, có thêm bao giờ cũng hơn là không có, nhưng bên cạnh AI, smartphone còn biết bao linh kiện và tính năng khác cần được chú ý, như camera kép hay loa stereo chẳng hạn. Rõ ràng nếu xét đến các khía cạnh khác như giá thành, có lẽ rằng chip AI hiện tại vẫn chưa thực sự cần thiết khi chúng ta biết rõ rằng, thêm phần cứng đồng nghĩa với tăng giá sản phẩm - và ngưỡng cửa 1000 USD vừa mới chớm chạm của thị trường smartphone không cần thêm bất kỳ sự leo thang nào về giá nữa.
Theo ictnews.vn