“Ngày hội Văn hóa - thể thao (VH-TT) các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Trung lần thứ III - năm 2018” đang đếm ngược từng giờ đợi chờ khai hội. Hàng loạt hoạt động từ văn hóa, nghệ thuật quần chúng, thể thao và các trò chơi dân gian sẽ diễn ra tại TP. Tam Kỳ. Cùng với đó, chương trình nghệ thuật công phu cho đêm khai mạc hứa hẹn sẽ làm người xem mãn nhãn...
|
Tiết mục biểu diễn đấu chiêng đôi sẽ tiếp tục được tái hiện bởi các nghệ nhân người Co ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) tại ngày hội. Ảnh ALĂNG NGƯỚC |
“Đường về xứ Quảng”
Chọn chủ đề “Sắc màu văn hóa miền Trung”, chương trình nghệ thuật của đêm khai mạc “Ngày hội VH-TT các DTTS miền Trung lần thứ III - năm 2018” sẽ chuyển tải đến người xem phần nào các nét đặc sắc của văn hóa mỗi tộc người thiểu số ở dọc dải miền Trung. Tổng đạo diễn chương trình khai mạc Trịnh Vũ Thìn cho biết, chương trình nghệ thuật sẽ giới thiệu các tiềm năng cùng giá trị văn hóa độc đáo của các DTTS miền Trung. “Bản sắc, tinh hoa mỗi vùng miền sẽ được khắc họa một cách chân thực qua phần trình diễn những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, tiêu biểu của các DTTS miền Trung. Bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc chọn lọc đặc sắc, phối hợp với lời bình và hình ảnh minh họa của phim tài liệu, chương trình sẽ làm toát lên các nội dung phong phú, đa dạng, hình thức nghệ thuật độc đáo, sinh động hấp dẫn, mang tính khái quát cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân” - tổng đạo diễn Trịnh Vũ Thìn cho biết.
Ở mỗi nội dung của chương trình nghệ thuật đêm khai mạc đều có trình chiếu các bộ phim tài liệu liên quan, ngõ hầu mang đến cái nhìn toàn diện thông qua việc tiếp cận từ nghệ thuật biểu diễn đến hình ảnh tài liệu của các địa phương. Chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa miền Trung” có tổng thời lượng 70 phút, với sự tham gia của 350 diễn viên, chủ yếu là các nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng của 13 tỉnh thành tham gia ngày hội. |
Chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa miền Trung” sẽ đưa người xem qua những miền văn hóa khác nhau với các giá trị khác biệt, lâu đời. Tổng đạo diễn Trịnh Vũ Thìn cho biết, tổng thể chương trình gồm 3 chương, với các chủ đề: “Quảng Nam yêu thương”, “Hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa miền Trung”, “Văn hóa miền Trung thăng hoa cùng sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”. Trong đó, chương I với chủ đề “Quảng Nam yêu thương” sẽ giới thiệu đến người xem về nơi diễn ra ngày hội thông qua hoạt cảnh “Đường về xứ Quảng”. Bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động, khai thác từ chất liệu âm nhạc, ngôn ngữ múa và trang phục truyền thống độc đáo của các DTTS đang sinh sống trên địa bàn Quảng Nam, hoạt cảnh “Đường về xứ Quảng” sẽ dựng nên phong cảnh giàu đẹp, nên thơ, cùng với đó là hình ảnh về mảnh đất, con người cũng như truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa xứ Quảng. Với sự dàn dựng sân khấu rực rỡ ánh đèn, gợi mở khung cảnh một ngày mới tràn đầy sức sống, trong không gian tĩnh lặng của miền quê Quảng Nam yên bình, vọng lên tiếng mái chèo khua nước và một giọng hò cất lên… NSND Thu Hiền cùng ca khúc “Quảng Nam yêu thương” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ mở ra một “Đường về xứ Quảng” đầy chân tình, sâu lắng…
Hội tụ bản sắc
Sau khi mở ra bằng “Đường về xứ Quảng”, chương trình nghệ thuật tiếp tục mang những nét đặc sắc văn hóa các DTTS từ 12 tỉnh, thành khác của miền Trung (trừ Quảng Nam) lên sân khấu. Ban tổ chức ngày hội cho biết, thông điệp của chương này mong muốn các giá trị văn hóa sẽ là động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cả nước nói chung. Theo đó, đại cảnh hát múa kết nối các tiết mục biểu diễn của 12 tỉnh, thành sẽ tập trung khai thác chất liệu dân gian, từ dân ca, dân vũ, dân nhạc, kể cả trang phục truyền thống các dân tộc tiêu biểu, nổi bật của từng địa phương, kỳ vọng về một sự “hội tụ bản sắc” mang đến niềm thích thú cho người xem.
Đàn đá Khánh Sơn được đoàn Khánh Hòa chọn biểu diễn trong chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội. Ảnh: B.M |
Ở chương II với chủ đề “Hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa miền Trung”, các địa phương tham gia sẽ mang tiết mục tiêu biểu để “trình làng” ngay trong đêm khai mạc. Giá trị văn hóa các DTTS sống dọc dải miền Trung sẽ lần lượt được phô diễn qua việc mô phỏng lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thi đấu thể thao, võ thuật, các trò chơi dân gian, diễn tấu âm nhạc, trình diễn trang phục… do chính các nghệ nhân của bộ môn đó trình tấu trên sân khấu đêm khai mạc sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Ông Bùi Công Vinh - Giám đốc Trung tâm VH-TT tỉnh Nghệ An cho biết, tham gia đêm khai mạc, Nghệ An chọn biểu diễn tiết mục “Âm điệu Tăng boong bu” do các nghệ nhân đồng bào DTTS của tỉnh trình bày. “Đây là tác phẩm phát triển trên nền dân ca của người Thái, chúng tôi biến tấu để đan xen vào đó các loại nhạc cụ của người Mông, Khơ Mú. Tiết mục này có 32 nghệ nhân cùng biểu diễn trên sân khấu” - ông Bùi Quang Vinh chia sẻ.
Sau khi đi qua các cộng đồng với những giá trị văn hóa đặc trưng, người xem sẽ được chứng kiến một sự hội nhập - phát triển của những dấu ấn đặc sắc này. Đó cũng chính là nội dung chủ đề được chọn cho chương III của chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội. Ở chương này, một không khí náo nức của ngày hội VH-TT các DTTS miền Trung được đẩy lên cao trào, tạo điểm nhấn cho chương trình. Những tiềm năng văn hóa độc đáo của các DTTS miền Trung sẽ tiếp tục xuất hiện trên sân khấu qua phần trình diễn thể thao, võ thuật và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ… Trên nền nhạc phối vừa dân tộc vừa hiện đại sôi động tươi vui của bộ gõ, một phần biểu diễn nhảy múa, võ thuật và thể thao sẽ hòa thành bản hùng ca, ngợi ca miền Trung cùng đất nước trong khí thế đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Một cuộc tụ hội bản sắc văn hóa các DTTS miền Trung đang đếm ngược đợi giờ khai hội…
LÊ QUÂN