(QNO) - Việc nhiều phụ huynh đưa con đi học kèm gia sư trước khi vào lớp 1 đang khiến các cháu mất đi kỳ nghỉ hè, đồng thời, việc này cũng gây áp lực nặng nề, tạo nên tâm lý căng thẳng, lo lắng cho trẻ nhỏ.
Phụ huynh nên để con tham gia các hoạt động vận động, vui chơi vào dịp hè thay vì đưa con đi học trước chương trình lớp 1. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Đã hơn một tháng nay, chị Lê Thị H. đưa con mình đến học tại một gia sư ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ). Con chị H. học toán, tập đọc, viết theo chương trình sách giáo khoa lớp 1 mặc dù đến năm học 2017 - 2018 mới bước vào lớp 1. Chị H. chia sẻ, cả hai vợ chồng cùng làm nghề buôn bán nên không có đủ thời gian để dạy cho con học. “Vả lại tôi sợ hai vợ chồng không có kỹ năng dạy như các cô giáo, nếu dạy cho con tại nhà sẽ sai phương pháp. Nhưng lo nhất là chuyện con khi vào lớp 1 viết chậm, đọc chậm sẽ thua kém bạn bè” - chị H. nói. Để con có thể thành thạo đọc, viết trước khi vào lớp 1, ngoài việc cho con đi học gia sư, chị H. còn mua các cuốn tập viết và dành khoảng 1 giờ đồng hồ vào buổi tối để hỗ trợ con rèn chữ viết tại nhà.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Th. cũng đưa con mình đi học kèm gia sư vì thấy nhiều chị em có con chuẩn bị vào lớp 1 đồng loạt đưa con đi học hè. “Con tôi sinh cuối năm 2011 nên dù đủ tuổi vào lớp 1 nhưng so với trang lứa cháu nhỏ hơn, còn chậm hơn các cháu khác. Hồi còn học mẫu giáo các cô dạy cháu có cho biết do thể trạng còn nhỏ, tay chưa vững nên cháu viết chậm chạp, khó khăn hơn so với các bạn cùng lớp. Sợ khi vào lớp 1, chương trình nặng cháu không theo kịp bạn bè thì tội nghiệp lắm!” - chị Th. cho biết. Theo tìm hiểu, không riêng gì chị Th., phần lớn các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đưa con đi rèn chữ, rèn đọc viết đều xuất phát từ tâm lý sợ con viết chữ xấu, không làm được các phép toán, sợ con mình thua thiệt so với bạn bè.
Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ khẳng định, các bậc phụ huynh đưa con đi học trước chương trình là việc không đúng về phương pháp giáo dục. Điều này không có lợi gì cho các cháu mà còn gây tác dụng ngược. Theo ông Sơn, Bộ GD-ĐT đang thực hiện giảm nhẹ các kỳ thi, hội thi, khối lượng kiến thức, tăng các hoạt động giao lưu, sinh hoạt, đặc biệt là với cấp tiểu học để giảm áp lực về mặt học tập cho các cháu. Việc áp đặt các cháu ở độ tuổi nhỏ phải đi học kèm vào dịp hè là đi ngược với giáo dục khoa học. Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian các cháu cần được giao lưu, vui chơi để có thể phát triển về thể chất, kỹ năng sống một cách tự nhiên nhất.
Đến lớp và học đúng theo chương trình do ngành giáo dục quy định sẽ giúp trẻ có hứng thú hơn trong học tập. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Đồng thời, chương trình của lớp 1 đã được biên soạn một cách tối ưu phù hợp với độ tuổi của các cháu. Cùng với phương pháp giảng dạy tốt của các giáo viên thì các phụ huynh hoàn toàn yên tâm con em của mình sẽ đều nắm vững được chương trình khi học tập tại trường. Ông Trần Ngọc Sơn chia sẻ: “Tôi biết các phụ huynh có chung tâm lý sợ con mình không theo kịp chương trình sẽ bị đánh giá là không giỏi như các bạn cùng trang lứa. Nhưng nghĩ như thế là không đúng, vì quá trình học tập là một quá trình kéo dài đến các cấp học cao hơn. Các cháu vừa bước vào lớp 1 thì việc học tập không nên quá nặng nề về kết quả, thành tích. Nên để các cháu tự nhiên xem học tập là thú vui sẽ giúp các cháu có tính cách say mê học tập khi lên các lớp, cấp học cao hơn”.
Cũng theo ông Sơn, việc đưa con đi học trước chương trình lớp 1 sẽ là “lợi bất cập hại” khi vô hình trung gây áp lực lên các cháu nhỏ khiến tâm lý của các cháu luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng. “Việc học trước chương trình lớp 1 sẽ khiến cho các cháu có tâm lý không còn hứng thú mỗi khi đến trường. Bởi vì khi vào lớp 1 các kiến thức đã được học hết rồi nên các cháu sinh ra tâm lý chán chường, lơ là. Điều này về lâu dài là khá nguy hiểm khi hình thành trong trẻ tâm lý không tìm thấy được niềm vui trong học tập, không muốn nghe giáo viên giảng bài và cả tâm lý không muốn đi học” - ông Sơn cảnh báo.
ĐOÀN ĐẠO