Chợ Cồn ký sự

NGUYỄN SÔNG HÀN 31/01/2014 16:58

(Xuân Giáp Ngọ) - Tôi chính thức đặt chân đến Chợ Cồn, ngôi chợ mà nhiều người Quảng quen thuộc - sau trận lụt lịch sử 1964. Lớn lên một chút, tôi quen nhiều bạn gái bán hàng ở chợ và thường được nghe câu nói ghẹo “trai khôn tìm vợ chợ đông…” của những người lớn tuổi.

Cha tôi lúc đầu những năm 1940 đã từng ra Đà Nẵng làm thuê hoặc cùng vác những chiếc giường tre từ quê ra bán ở đây. Ông kể Chợ Cồn trước khi được xây dựng là một cồn cát hoang vắng mọc nhiều gai xương rồng và dương liễu. Thực dân Pháp thỉnh thoảng bắt được một cán bộ Việt Minh thường chém đầu và dùng đòn xóc dựng ở cồn cát này để đe dọa người dân… Trước khi được người Pháp xây dựng, chợ đã được đặt tên theo dân gian là chợ Cồn gồm những hàng quán bằng tre, gỗ lợp tranh. Cha tôi kể chợ tọa lạc ngay trên ngã tư, nơi giao nhau giữa đường Rue de la République tức Hùng Vương ngày nay và con đường theo trục nam - bắc là đường Sabiella (sau đổi ra Khải Định, từ 1954 đến nay là Ông Ích Khiêm) và đường Edouard de L’Horlet (được đổi thành đường Khải Định, sau 1975 mang cùng tên Ông Ích Khiêm) chạy về hướng nam…

Chợ Cồn thời Pháp có những ngôi nhà lồng lợp ngói rộng rãi. Cổng nhìn ra hướng tây (đường Sabiella) đối diện với Kho Đạn. Bốn hướng chung quanh các nhà lồng của chợ là các kiosque được đấu giá để bán hàng cao cấp như vàng bạc, cà phê, tạp hóa… Chợ Cồn được xây dựng kiên cố đồng thời với hai bến xe, cây xăng gần kề, được gọi chung là bến xe Chợ Cồn. Xe cộ từ Huế vào, Quảng Nam ra đây luôn đông hành khách, tạo ra một tụ điểm thương mại, một chợ đầu mối rất sớm của Đà Nẵng. Có thể thấy, chính ngôi chợ này đã tạo ra những khu phố thương mại lớn của Đà Nẵng trên đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm ngày nay từ rất sớm.

Năm 1964, khi tôi ra Đà Nẵng ăn học, chung quanh chợ Cồn đã có những thương hiệu nổi tiếng như nhà sách Văn hóa, cà phê Xướng, bánh mì Ông Tý, bánh kẹo Quánh Hưng, phở Thái Ngư… và hàng chục hiệu tạp hóa khác như các đại lý trái cây, gạo, dụng cụ cơ khí… Công chức, giới lao công, khuân vác, đạp xích lô và cả học sinh buổi sáng chỉ cần ra chợ Cồn là có thể uống cà phê ăn sáng, mua sắm sách vở… Chợ Cồn tuy đông cả ngày nhưng kéo theo các sinh hoạt suốt đêm nhờ những chuyến xe nam, bắc và cả trên Tây Nguyên về bến. Hiệu phở Thái Ngư hồi đó bán trước nhà sách Văn hóa từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm vẫn còn khách. Những người đàn bà bán hột vịt lộn vẫn chong đèn rao khắp nơi từ bến xe qua chợ…

Chợ Cồn xưa và nay.
Chợ Cồn xưa và nay.

Trong chợ, nhất là những năm 1970, khi dân cư Đà Nẵng tăng lên, các nhà lồng, kiosque không còn chỗ, người ta kê thêm các ba-lét làm nền, dựng thêm các lều bạt, tôn cơi nới thêm ra. Về đêm, các kiosque phía bắc chợ biến thành các tiệm bar ăn nhậu, trai gái suốt sáng, vì vậy cũng đã xảy ra những vụ thanh toán đẫm máu của đám lính tráng.

Đầu năm 1984, chợ Cồn và đường Điện Biên Phủ (từ Công viên 29-3 đến ngã ba Huế) đồng thời được xây dựng lại. Đây có thể nói là hai công trình xây dựng hạ tầng đầu tiên và quan trọng nhất Đà Nẵng vào thời đó. Thiết kế chợ Cồn được tổ chức thi khắp nước, từng phương án thiết kế đã được đưa ra lấy ý kiến của nhiều giới. Thiết kế “Trung tâm thương mại Đà Nẵng” của một kiến trúc sư ở Sài Gòn xây dựng hai dãy nhà tầng liền nhau chạy dài theo đường Hùng Vương và Ông Ích Khiêm (hình chữ L) bao bọc các nhà lồng bên trong đã được duyệt. Nhà báo, nhà thơ trào phúng Đặng Minh Phương lúc đó có thơ vui:

Xem qua thiết kế chợ Cồn,

Cái nào cũng thích, cái L… thích hơn!

Cùng thời gian này, Công ty Dệt 29-3 của doanh nhân Huỳnh Văn Chính ở Đà Nẵng trở thành một mô hình sản xuất giỏi, có khăn bông xuất khẩu đi các nước Đông Âu, ông Đặng Minh Phương lại có thơ:

Đà Nẵng có cái chợ Cồn

Có khăn ông Chính lau…tay chị em!

Chợ Cồn không chỉ là một không gian mua sắm quan trọng của Đà Nẵng. Nó còn ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn những người con đất Quảng. Nhà thơ Nguyễn Đông Giang định cư nhiều năm ở Mỹ khi nhớ về quê hương vẫn nhớ một cách khắc khoải:

Đà Nẵng và em, anh quên sao được

Giờ thấy ngã tư đủ nhớ chợ Cồn

Có còn bụi bay bến xe Liên tỉnh?

Còn vẳng tiếng người chạy loạn năm xưa!

Ở tận Canada, nhà thơ Luân Hoán viết bài thơ “Một thời chầu rìa chợ Cồn”, tức một thời anh chở vợ đi chợ, chờ ngoài cổng thôi mà ghi chép được bao điều:

Đoạn đường thẳng, ngắn khúc khung

Đi năm phút đã sát lưng chợ Cồn

…Chợ Cồn mấy cửa vào ra

Lòng chợ xẻ bảy chia ba thế nào

…Cuộc đời quả thật đáng yêu

Nhiều khi vớ vẩn nhớ điều vẩn vơ…

Gắn bó với quê hương, dạy học và làm thơ, Đông Trình từng đến chợ trong những năm chiến tranh lại đau đớn khi thấy những chiếc nón lá của các mẹ, các chị nghèo khó bị dán đầy tem thuế hoa chi. Và anh đã viết:

Chúng dán đau thương trên nón cời của mẹ…

Năm 1984, chợ Cồn xây dựng lại bề thế như đã nói rồi đổi tên thành Trung tâm thương nghiệp. Tên mới tuy có vẻ hiện đại nhưng người dân vẫn gọi cái tên cũ, thân gần và giản dị. Vì vậy, cái tên cũ Chợ Cồn gần đây lại được phục hồi. Mấy bạn trẻ khi nghe lấy lại tên chợ Cồn từ cái “Trung tâm thương nghiệp” đã đọc cho nhau nghe:

Dù cho cạn nước Thu Bồn

Thì tên vẫn phải chợ Cồn em ơi…

“Đi du lịch đến đâu, trước hết nên tìm đến chợ. Đó là nơi không chỉ phản ánh một nền kinh tế mà còn là diện mạo văn hóa của cư dân sở tại!”.
(Nhà văn Thanh Tịnh)

Sinh thời, nhà văn Thanh Tịnh có lần nói với người viết, khi tôi gặp ông ở Hà Nội năm 1985: “Đi du lịch đến đâu, trước hết nên tìm đến chợ. Đó là nơi không chỉ phản ánh một nền kinh tế mà còn là diện mạo văn hóa của cư dân sở tại!”. Ngày nay, ngành du lịch đã mở ra các tours mua sắm ở chợ Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh), Đông Ba (Huế), Đồng Xuân (Hà Nội) và các chợ Hàn, chợ Cồn Đà Nẵng có lẽ cũng nhận thức được nhu cầu đó của du khách… Chợ, chớ không phải siêu thị công nghiệp mang tính uniform hiện nay, mới thể hiện đầy đủ văn hóa và kinh tế của các vùng đất. Điều này càng đúng nếu ta có dịp lang thang vào chợ Cồn. Ở đó, tôi gặp chị hàng chả không cần lấy tiền đặt cọc của khách: “Mai em mang đến khách sạn rồi lấy tiền luôn thể”!...

 Ở chợ Cồn ngày nay, mỗi quầy hàng mấy mét vuông nhưng là một đầu mối buôn bán rộng khắp đi nhiều tỉnh trong nước. Quầy hàng chỉ là nơi giao dịch. Phía sau những quầy trái cây, hàng vải, giày dép, văn hóa phẩm là cả một hệ thống mang đủ các yếu tố logistic của kinh doanh hiện đại; gồm đủ kho hàng, đóng gói, vận chuyển, giao nhận, thanh toán trọn gói…Thấy vậy và nhớ lại những chiếc nón cời “dán đầy đau thương”, nhớ thúng trứng vịt, nồi bún của những bà mẹ già năm xưa, ta càng thương mến bấy nhiêu một cái chợ đầy kỷ niệm…

Rồi nữa, đi đâu cũng thấy chợ ở gần bến sông, nhưng chợ Cồn thì không mà vẫn sầm uất. Cái thời văn minh lúa nước, nhất cận thị nhị cận giang khi con người còn gắn với ghe thuyền sông nước đã lùi xa. Chợ Cồn bỗng chốc lại gắn liền với xe cộ khi Đà Nẵng tiếp xúc với văn minh cơ giới phương Tây thời thuộc địa, đã phồn thịnh theo một cách riêng, phồn thịnh và náo nhiệt đêm ngày để xuất hiện thêm những cà phê Xướng, những phở Thái Ngư, bánh mì Ông Tý và sách báo văn hóa phẩm… ăn nên làm ra là vậy, để bây giờ nhớ và viết vẫn làm ta xao xuyến nhớ một thời “trai khôn tìm vợ chợ đông”…

NGUYỄN SÔNG HÀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ Cồn ký sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO