Ba chở con đi học trên chiếc xe Cub cũ, ngày đầu thu chơm chớm tựu trường, nắng vàng ươm con phố. Mùi gì thanh dịu của buổi sớm mai lẫn trong mây hồng, con nhớ câu thơ của Tế Hanh: “Sáng nay mùa thu sang/ Cha đưa con đi học/ Sương đọng cỏ bên đường/ Nắng lên ngời hạt ngọc”.
Lần đầu tiên con ngắm trọn vẹn mặt trời kéo lên sau rặng núi, con xúng xính mãi trước gương với chiếc áo dài má mới may. Con thấy thiêng liêng quá khoảnh khắc con trông thật dịu dàng với chiếc áo dài thướt tha.
Con thấy ánh mắt ba cũng ngỡ ngàng: Con ba nay đã thành thiếu nữ. Ba giục vội con kẻo trễ học, con vén tà áo dài thật gọn gàng ngồi lên xe, ngượng nghịu tưởng tượng ai đó cũng đang nhìn mình trầm trồ, thế mà chỉ có nắng reo đùa trên cái nền trắng tinh của tà áo.
Lần này chở con lên phố, buộc thêm rất nhiều đồ đạc để con ở lại ký túc xá, ba vẫn vững tay lái qua đoạn đường khấp khểnh. Con ngồi sau, tựa đầu vào lưng ba như tựa trên gối mềm, hít hà mùi mồ hôi giữa cái nắng oi nồng, nghe quen thuộc đến nỗi như chính là mùi của tuổi thơ, mùi riêng của cánh đồng lúa mới.
Bóng con, bóng cha dập dềnh trôi trên đường dài. Trường cấp ba lấp ló sau hàng phượng hồng còn quyến luyến mùa hạ. Ba thương con xa nhà khi còn quá nhỏ, cứ lừng khừng mãi chẳng chịu về. Từ tầng 5 của khu ký túc, con nhìn xuống thấy bóng ba và chiếc xe nhỏ in trên mặt đường, con rưng rưng vì sự thân thuộc như tan đi cái xa lạ của phố thị.
Nhớ đêm đầu tiên con cố chạy ra ngoài hành lang khóc thút thít, lúc quay trở vào phòng nhìn mắt đứa nào cũng đỏ hoe, “tau nhớ con bé út quá, giờ này là đang ghẹo nó nè”, “thường bây chừ là ba má tau đang ngồi bàn về mấy tin tức thời sự trên ti vi ”… Thế rồi chúng con cũng đi hết ba năm trung học, từ những ngày đầu rời xa vòng tay của gia đình.
Rồi đến lúc ba bán lúa để mua cho con chiếc xe điện, con tự mình đi khắp các con đường. Ngày đầu chở con đi ba bảo rồi con sẽ tìm được những con đường đến trường nhanh hơn. Đúng thế, con tìm được những con đường mới, đến nhiều nơi, những quán ăn vặt, những lớp học thêm, những chỗ hóng mát…
Mà sao mỗi lần đi ngang cái quán nước hai ba con nghỉ lại dọc đường, đôi mắt cứ cay cay, con nhớ mãi lời ba dặn bên dòng sông đứng bóng chảy lặng lờ: “Lên thành phố ăn uống đàng hoàng, đừng ngại cái giọng rặt Quảng mà không phát biểu bài nghe con”.
Trí óc con lại cứ lởn vởn trôi về những buổi học hè khi con chưa ở nội trú, ba chờ con suốt vài tiếng đồng hồ để chở con về quê sau mỗi buổi học. Ba chạy xe vòng quanh khu công viên, ba trò chuyện cùng cô chú phụ huynh cũng đang đứng đợi những đứa trẻ.
Tuổi hoa mộng ấy bao người cứ mê say hình ảnh chờ nhau dưới những gốc phượng già, đưa nhau về trên chiếc xe đạp chở đầy hoa đỏ. Nhưng con lại thổn thức hình ảnh những ông bố bà mẹ đứng đợi con, trên những vỉa hè vắng bóng cây.
Ngày trước đọc “Cổng trường mở ra” của Lý Lan, cứ tò mò mãi cái thế giới ảo diệu phía sau chiếc cổng trường: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra”. Và một nửa còn lại của thế giới là nơi có ba đứng chờ con tan lớp, giữa cái nắng ban trưa...