Bắt đầu có những chuyển động trong câu chuyện phát triển du lịch tại Nông Sơn...
Thu hút doanh nghiệp
Những ngày mùa xuân năm nay, một đoàn khảo sát khu vực núi Chúa (thuộc địa bàn các huyện Nông Sơn và Duy Xuyên) được thành lập, bắt đầu hành trình từ suối nước nóng Tây Viên, huyện Nông Sơn. Theo hình thức trekking, trên cung đường này, đoàn khảo sát đi từ Nông Sơn đến đỉnh núi Chúa, sau đó điểm dừng cuối cùng là tại Mỹ Sơn, Duy Xuyên.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, nếu khai thác du lịch thì đây chắc chắn sẽ là cung đường trekking với cảnh quan thiên nhiên lẫn những câu chuyện văn hóa, lịch sử, huyền thoại về sự linh thiêng rất cuốn hút, đủ sức thu hút du khách thập phương.
Chuyến khảo sát do một doanh nghiệp đang bắt đầu xúc tiến kế hoạch đầu tư phát triển du lịch núi Chúa, suối nước nóng Tây Viên kết nối làng Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng, Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây cũng chính là tiềm năng du lịch mà huyện Nông Sơn đang kỳ vọng sẽ có những bứt phá trong năm này từ chính câu chuyện thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn tại miền Trung.
Với mong muốn mở ra cơ hội, đưa giá trị lịch sử, nét đặc sắc văn hóa bản địa, những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn đến du khách thập phương, huyện Nông Sơn đã xây dựng đề án định hướng phát triển du lịch của huyện, với các tiềm năng trụ cột là Hòn Kẽm Đá Dừng, làng Đại Bình, nước nóng Tây Viên, Dinh Bà Thu Bồn, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi...
“Đối với nước nóng Tây Viên - núi Chúa, huyện đang tập trung quy hoạch thành khu phức hợp du lịch chất lượng cao, lấy nguồn khoáng nóng để phát triển các sản phẩm du lịch về sức khỏe. Núi Chúa có độ cao khoảng 700m, lên đỉnh có thể phóng tầm nhìn bao quát một vùng rộng lớn cả Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hiện đã có lối mòn dẫn lên đỉnh núi men theo các cánh rừng nguyên sinh nên có thể phát triển tour leo núi, trải nghiệm, mạo hiểm... Huyện đang mở cửa thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư đồng bộ để phát triển khu phức hợp” - bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn chia sẻ.
Địa phương cũng tập trung nguồn lực, san nền, đầu tư hạ tầng, giao thông, rà soát điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp để tạo quỹ đất, mặt bằng cho nhà đầu tư khi có nhu cầu... Trong đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư cũng như tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển.
“Với sự tập trung cao của huyện để xây dựng các sản phẩm sinh thái cộng đồng, nếu có sự đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án theo định hướng, hy vọng du lịch Nông Sơn sẽ phát triển một cách đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng. Từ đó, có thể giữ chân du khách lâu hơn, giải quyết được bài toán việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội huyện” - bà Thủy nhấn mạnh.
Người dân hưởng ứng
Để khai thác tiềm năng sẵn có, Nông Sơn còn rất nhiều phần việc phải làm. Ông Văn Bá Sơn cho rằng, ở góc độ chính sách, cơ chế thu hút, việc tạo điều kiện từ phía địa phương rất quan trọng. Cùng với đó, sự đồng lòng của người dân, cộng đồng làng cũng là yếu tố tiên quyết để du lịch phát triển tại một vùng đất. Hiện đã có nhiều người dân ở khu vực núi Chúa “đón đầu” du lịch bằng cách đầu tư vào chính không gian sống của mình.
Sinh và lớn lên tại chân núi Chúa, bà Phan Thị Ba (60 tuổi, thôn Phước Bình, xã Sơn Viên) phấn khởi khi nghe tin đoàn công tác tỉnh, huyện khảo sát núi Chúa ngay đầu năm mới.
Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình bà Ba đang trồng và chăm sóc 50 cây bưởi da xanh, hơn 200 gốc chuối. Khi nghe thông tin địa phương đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, gia đình bà Ba dự tính mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với các loại cây đặc trưng của địa phương để sau này có sản phẩm phục vụ du khách.
Cũng đã gắn bó với mảnh đất dưới chân núi Chúa này hơn 70 năm, theo ông Nguyễn Đình Bá, phát triển du lịch núi Chúa hay nước nóng Tây Viên là nguyện vọng bao đời nay của người dân địa phương, bởi nó không chỉ giúp quảng bá hình ảnh quê hương, con người ở đây mà còn mang lại cơ hội để bà con phát triển kinh tế. Người dân cũng ý thức rõ nét việc xây dựng nếp sống văn minh, tạo không gian, môi trường thân thiện.
“Những thức quà quê bình dị, những câu chuyện hồn hậu gắn với thông điệp lan tỏa bằng cả cái tâm, cái tình của người dân địa phương sẽ chạm đến trái tim của du khách sau này. Và đó cũng là điều người dân Sơn Viên đang gầy dựng mỗi ngày để chờ đón cơ hội được phục vụ du khách” - ông Bá chia sẻ.
Nông Sơn hiện đã có làng Đại Bình đang được đầu tư để phát triển trở thành Làng du lịch cộng đồng của Quảng Nam. Tuy nhiên, nhận định từ các doanh nghiệp lữ hành lẫn người quản lý du lịch của tỉnh, hiện điểm đến này cần phải cải thiện rất nhiều từ cả dịch vụ lẫn nhân lực làm du lịch.
Cũng theo ông Văn Bá Sơn, địa phương cần tạo cơ hội để người dân học hỏi cách thức làm du lịch cộng đồng ở các nơi, từ đó có những hoạch định dài hơi để điểm đến này phát triển xứng tầm hơn.