Biên giới - Hải đảo

Chó cưng vào phiên gác ở Trường Sa

LÊ VĂN CHƯƠNG 26/06/2024 17:50

(Đặc san 21/6) - Ở quần đảo Trường Sa, những chú chó luôn là bạn thân của anh em chiến sĩ. Mỗi hòn đảo là một câu chuyện về loài thú tinh khôn, đêm nào cũng nằm cạnh người lính gác và chong mắt nhìn về phía trước, cùng bảo vệ biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

da-tay-c-1_10.jpg
Trung sĩ Vũ Công Khang với chú chó cưng ở đảo Đá Tây C.

Đảo Cô Lin - nơi nằm sát đảo Gạc Ma, là hòn đảo nguy hiểm và phải thường trực sẵn sàng chiến đấu. Ánh mắt của các chú chó, vì thế, xem chừng phải cảnh giác hơn và luôn nhìn về phía Gạc Ma.

Ánh mắt giống… lính

Trung úy Hà Công Anh, cán bộ trên đảo Đá Tây C, quần đảo Trường Sa cất tiếng gọi. Nhưng cả bầy chó vẫn lùi sâu trong căn phòng và nhìn ra ngoài với ánh mắt khá lạnh lùng. Người lính trẻ thốt lên: “Hôm nay giận dỗi rồi phải không, vì có đoàn công tác ra thăm đảo nên phải nhốt hết các chú lại và khi nào mọi người về thì sẽ thả ra thôi mà…”.

Những chú chó không hiểu được tiếng người, nhưng có lẽ âm giọng có vẻ âu yếm, ngọt ngào đã khiến những đôi mắt kia cụp xuống, đuôi vẫy nhẹ, đầu ưỡn về phía trước - tín hiệu giống như lời đáp “đã hiểu rồi”.

Theo đề nghị của tôi, Trung úy Anh ôm ra chú chó có ánh mắt dường rất khác với chó trong đất liền. “Nó là con Xù, trông nó vậy nhưng mà hiền, chả cắn ai đâu” – Trung úy Anh nói, trong khi tay xoa xoa lên đầu con Xù.

Tôi chợt nhớ ra ánh mắt của con Xù rất giống ánh mắt của những chú chó ở đảo Cô Lin tôi đã gặp vào sáng ngày 10/5/2024. Nếu nhìn ngang thì các chú chó có vẻ hiền từ, nhưng ánh mắt thì rõ ràng là luôn cảnh giác cao độ.

Một người lính trẻ ở đảo Cô Lin nói vui: “Mắt con cún này cũng rất giống mắt anh em lính ở đảo, vì từ đảo này sang đảo Gạc Ma (đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm) thì chỉ cần 2 cái nhấn ga của ca-nô là đã tới nơi. Do vậy, lính luôn cảnh giác và lây sang chó”.

Cách lý giải này khiến tôi cảm thấy có vẻ đúng. Đảo Cô Lin là hòn đảo được xây dựng trên bãi cạn. Đảo Gạc Ma cách không xa là nơi vẫn còn hài cốt của 64 liệt sĩ nằm lại, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, quê ở Điện Bàn. Ở hòn đảo Cô Lin, những người lính luôn đặt trong tình huống “cảnh giác… sẵn sàng!”.

Vừa đặt chân lên đảo, tôi không thể quên ánh mắt của Trung sĩ Trần Gió. Cậu lính này có nước da đen bóng, khuôn mặt dài, cặp mắt lúc nào cũng giống như đang chụm vào một mục tiêu nào đó. Khi nói chuyện, ánh mắt của Trung sĩ Gió vẫn đảo sang đảo Gạc Ma - chỉ nằm cách khoảng 2,5km.

Hàng ngày, Trung sĩ Gió và những người lính vuốt ve con Mực, Luc Ky, con Vàng. Có lẽ những chú chó này cũng nhìn thấy ánh mắt của người chủ - ánh mắt xuyên thấu, nói chậm rãi, mặt luôn ngoảnh về phía Gạc Ma.

Khi đêm xuống, ánh mắt của những người lính lại càng chụm về hòn đảo nằm gần đó. Nhất cử nhất động, những hiện tượng lạ dù chỉ thoáng qua cũng khiến tất cả lính triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo.

Con chó Xù có ánh mắt giống những chú chó trên đảo Cô Lin. Sau một hồi giận dỗi, nó bắt đầu nhảy ra vờn mép sóng. Hóa ra chó ở Trường Sa không hề sợ sóng biển.

len-dao-ssinh-ton-2024-a_13.jpg
Trung sĩ Từ Ngọc Vinh với chú chó nhỏ ở đảo Sinh Tồn.

“Ống nhòm” xuyên đêm

Cứ mỗi chiều, con Xù lại bơi trong vùng nước san hô lặng sóng, sau đó ve vẩy bộ lông. Con Vàng từ trong chuồng đi vòng qua lô cốt tiến tới một người lính đang gác bên ụ súng và ra vẻ cần được vuốt ve. Trung sĩ Nguyễn Công Khang, quê ở tỉnh Bình Định say sưa kể chuyện về những chú chó, trong đó có việc thường tham gia gác đêm với các chiến sĩ, vì vậy chó và người là bạn tâm giao.

Tại đảo Trường Sa Lớn, thiếu tá Bùi Quang Mạnh mỉm cười và liên tục vuốt ve đầu con Xoáy. Dù dụ dỗ đến đâu thì con Xoáy vẫn cứ nằm lăn ra đất giống như gởi lời nhắn tới người lính biên phòng trên đảo Trường Sa Lớn rằng “tôi cần nghỉ ngơi, vì đêm nào tôi cũng thức trắng để canh gác với ông chủ”. Cảm nhận của tôi cũng được Thiếu tá Mạnh gật đầu và nói “nó cả đêm đi gác với anh em, nên bây giờ phải ngủ tới trưa với bầy chó đến khi đủ giấc”.
Do thời tiết ở quần đảo Trường Sa khắc nghiệt, vì vậy toàn bộ chó nuôi là loại chó thuần chủng, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh tật như giống chó béc giê.

Con Xoáy có dáng người nhỏ, gọn, hơi lai giống chó săn, bộ lông màu vàng pha đen và khắp người có những xoáy lông. Tại đảo Trường Sa Lớn, mỗi khi đêm xuống, bộ đội biên phòng lại bắt đầu vào phiên trực gác với lính hải quân trên đảo. Âm thanh lạo xạo của đôi giày giẫm trên đá san hô vụn bao giờ cũng có thêm bước chân nhẹ nhàng của những chú chó.

Chúng dường như biết rõ bổn phận của mình. Vì vậy mỗi khi tiếng báng súng AK gõ lách cách ở hiên Đồn Biên phòng Trường Sa, cả bầy chó dỏng tai nghe ngóng, sau đó vội chạy theo người lính tuần tra, canh gác.

Đêm sương lạnh giữa quần đảo Trường Sa, bóng những cây phong ba, bàng vuông, mù u chao nhẹ trong gió. Những người lính phải căng mắt quan sát. Với con Xoáy và bầy chó tinh khôn, khi thấy chủ hướng mắt nhìn về phía nào thì các chú chó lập tức dỏng tai, ve vẩy, mũi tìm kiếm, đánh hơi nguồn hơi lạ hòa trong gió biển.

Xã đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa Lớn rợp bóng cây xanh. Cây cỏ khắp nơi tạo ra sức sống cho Trường Sa giữa biển xanh. Nhưng cây nhiều cũng che khuất phần nào tầm quan sát ở trong lòng đảo. Và giải quyết vấn đề này là những chiếc “ra-đa” - bầy chó tinh khôn lên đến hàng trăm con. Chó ở Trường Sa thân thiết với những người lính đảo là vậy. Cũng ngày ngủ, đêm thức, cũng phải vào phiên tuần tra canh gác, cũng chong mắt xuyên đêm để cảnh giác quân thù.

dao-truong-sa-lon-thang-5-nam-2024_50.jpg
Đêm xuống, những người lính ở quần đảo Trường Sa luôn có những chú chó bên cạnh trong phiên gác. Ảnh: Văn Chương

Ân tình với người

Trên đảo Sinh Tồn, Trung sĩ Võ Hùng Khang, Nguyễn Minh Nghĩa nở nụ cười tươi và nhiệt tình khi nghe tôi hỏi chuyện về những “người bạn của lính”.

Một căn phòng nhỏ nằm dưới chân cầu thang, Trung sĩ Khang bế ra một lúc 3 chú chó nhỏ dễ thương. Những người lính rôm rả bắt chuyện và cho biết, ở đảo Sinh Tồn đang vào mùa sinh nở của chó. Con Mực mẹ sinh 11 con, con Luc Ky sinh 8 con, con Bạch Tuyết sinh 7 con…

Mỗi khi chó sinh nở thì thường rất hung dữ để bảo vệ con. Nhưng ở quần đảo Trường Sa, sự thân thiết giữa người và chó đã khiến những con chó mẹ luôn xem đám lính trẻ như người bạn.

Một người lính chui vào ổ của con Bạch Tuyết và bế ra 2 chú chó với bộ lông ươn ướt. Con chó mẹ mở mắt lim dim nhìn, không có phản ứng gì. Nhìn cảnh đám lính trẻ rôm rả với bầy chó con, tôi chợt nhớ đến ánh mắt có lúc thoáng buồn của những chú chó trên các đảo nổi như Cô Lin, Đá Đông A, Đá Tây C. Thỉnh thoảng anh em bộ đội phải vuốt ve, tâm sự to nhỏ vì thấy có một con chó bỏ ăn.

“Nó nhớ cuộc sống rong ruổi như trong đất liền. Ở đây là đảo nổi, chỉ 2 khu nhà chạy qua chạy lại nên nó buồn, biếng ăn” - lời của một người lính trẻ thấu hiểu tâm tính của các chú chó.

Các chiến sĩ ở một số đảo còn kể hình ảnh xúc động nhất là khi những người lính hoàn thành nghĩa vụ. Lúc họ lên tàu vẫy chào tạm biệt đảo lần cuối, những chú chó như cảm thấy nỗi buồn. Chúng lao người xuống nước, bơi theo một đoạn rồi mới quay trở về. Cả nửa ngày, những chú chó rên ư ử, mắt dõi về phía con tàu đã khuất bóng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chó cưng vào phiên gác ở Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO