Cho đến giây phút ấy

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG 03/01/2015 11:21

Rất khó khăn để Diễm đưa mẹ đi Hà Nội.  Bà Hoan bảo là bà quen với cái làng quê nho nhỏ, có hàng cau xanh chạy dọc theo những con đường, có những mùa bắp, có những mùa đậu và có những mùa khoai. Nói chung là với bà, Cẩm Kim là máu thịt, là tuổi thơ của bà, là cả thời thiếu nữ hoa mộng. Diễm hiểu tại sao mẹ mình cứ chần chừ như thế, như thể bà còn vương vất trong lòng mình một nỗi niềm không thể nào giải tỏa được. Chính xác hơn là bà ngóng đợi một người trở lại, bà ngóng đợi đã gần 40 năm nay. Một mình bà trong căn nhà ấy, ở khu vườn ven sông ấy giống như  nỗi buồn cứ thường hằng đâu đó. Tết thì Diễm và chồng cùng con cháu trở về, những tiếng cười vang vọng trong căn nhà. Rồi chúng nó lại đi, bà lại ở lại để chờ đợi.

  Bốn mươi năm đã làm cho bao nhiêu dòng sông đổi dòng, làm cho những cây con nho nhỏ ven đường trở thành cổ thụ, để một đứa trẻ trở thành người lớn. Nói chung là với ngần ấy thời gian, mọi thứ đều thay đổi. Nhưng khi thượng đế tạo ra trái tim người, trái tim ấy không thay đổi khi nó vẫn còn đập.

  Bà ngoảnh lại nhìn dòng sông Thu Bồn như thể bà sẽ không quay lại. Bà già rồi, đầu đã bạc, bà không biết cho đến lúc nào bà sẽ còn nhìn thấy dòng sông như nhìn lại cả thời thanh xuân của mình. Diễm hiểu lòng mẹ, không nói một lời nào, để yên cho mẹ ngóng trông những bờ bãi mà mẹ đã một thời là cô gái chèo thuyền trên dòng sông đó.

  Bây giờ Hội An phát triển lắm rồi, hàng ngày cơ man khách du lịch tìm đến. Bến thuyền để qua Cẩm Kim cũng chộn rộn bởi mọi người thích khám phá một làng quê yên ả. Còn ngày đó… Bà Hoan thở dài giống như một đám mây chùng. Trong lòng bà có một vết thương chưa liền sẹo, mà Diễm là nhân chứng.

 Ngày đó bà là cô lái đò trên dòng sông này. Trên sông Thu Bồn phần lớn là những cô gái trẻ chèo thuyền đưa khách qua sông, và bà quen cả những con nước mùa, những con nước cạn. Bà quen cả những người khách qua lại, đến độ chỉ cần một người lạ xuất hiện là bà nhận ra ngay.

 Hôm ấy trăng sáng vằng vặc, ánh trăng chiếu trên sông Thu Bồn tạo cho người một cảm giác yêu đời. Bà chèo nhẹ nhàng con thuyền từ Hội An qua sông, về lại Cẩm Kim. Ngôi nhà của gia đình bà cũng nằm ở bến sông, có chiếc cầu nhỏ bắc ra  để cho thuyền cập bến và cũng là chỗ để tắm giặt. Bà cột chiếc thuyền  vào cầu, rồi hồn nhiên cởi bỏ quần áo, nhảy xuống sông tắm. Bình thường bà vẫn có cái thú tắm sông như thế, bởi bà biết, độ này, ở bến này không còn một ai qua lại. Bà cũng như tất cả những người con gái khác ở Cẩm Kim này đều có tài bơi lội rất giỏi. Nếu có một cuộc thi bơi lội qua sông Thu Bồn thì thế nào các cô gái ở Cẩm Kim cũng giành giải quán quân.

 Đang mải mê ngâm mình trong dòng nước mát rượi, bà bỗng nghe có tiếng rên khe khẽ. Bà giật mình, vội vàng lên bờ, mặc quần áo và đi tìm tiếng rên ấy. Dưới trăng, bà thấy một thanh niên đang lấy tay níu thân dừa nước sát bên sông, anh thở dốc ra, có lẽ anh đang bị thương. Bà nhận ra ngay đây là một anh bộ đội, không hiểu lý do gì anh lại bị thương và lạc tới bến sông này.  Vào thời điểm đó, cuộc chiến đang dùng dằng giữa hai phía, Cẩm Kim cũng không yên ổn bởi một đồn quân trú đóng, thỉnh thoảng lại có những đám lính đi dạo quanh làng với rất nhiều súng ống. Việc chứa chấp một người lạ là vô cùng nguy hiểm. Mà bà cũng không phải là một người làm giao liên, bà chỉ là cô gái chèo đò trên sông Thu Bồn.  Bà định bỏ đi, nhưng bàn tay anh bộ đội níu vạt áo bà, lực kéo mạnh khiến bà mất đà, ngã bổ vào anh. Anh ấy chỉ nói được hai chữ: “Xin lỗi!” rồi thiếp đi, không còn biết gì… Anh ấy tên Quân, bà chỉ biết vậy, và cả cuộc đời bà chỉ biết như thế. Nhưng đêm trăng ấy đã thay đổi cuộc đời của bà.

 Đây là lần đầu tiên bà đi Hà Nội. Bà bảo Diễm là bà thích đi xe lửa. Xe lửa chạy chậm, nhưng từ đó bà có thể thấy cảnh sắc bên ngoài. Lâu lắm rồi bà không đi đâu xa, cùng lắm là Đà Nẵng hoặc Huế. Bà cứ quanh quẩn mãi ở căn nhà nhỏ, dẫu giờ đây đã được con gái xây dựng khang trang hơn. Bà chẳng bận tâm gì mưu sinh cho lắm, bởi mảnh đất nhỏ ở nhà do cha bà để lại có  cả một vườn cau và mấy chục gốc dừa. Mỗi tháng có người tới thu mua. Diễm bảo: “Mẹ già rồi, nghỉ ngơi đi”. Bà cười: “Không nghỉ được, má quen cái nếp rồi”.

 Bà không hiểu tại sao Diễm lại lấy chồng xa đến thế, tận Hà Nội. Sự chọn lựa của tình yêu rõ ràng không ai giải thích được. Bà có thai Diễm vào lúc ấy, trong sự rung động đến lạ kỳ. Và người lính ấy, Quân, sau một tháng được bà che chở  đã lại lên đường, trên con đò do chính bà đưa sang sông.

 Hồi ức của con người luôn nhớ về kỷ niệm đẹp. Với bà, kỷ niệm ấy tinh khôi như một mùa xuân hoa nở ngát trời. Khi bà kéo Quân lên khỏi con sông thì anh chỉ thều thào: “Hãy giúp tôi...”. Anh vừa tham gia một trận chiến, tấn công một đồn địa phương quân. Chỉ hôm sau bà mới biết tin đó khi đi chợ. Rồi anh bị lạc đồng đội, anh bơi trên con sông với vết thương cho đến khi kiệt sức.

Bà không làm cách mạng, bà chỉ yêu một người làm cách mạng. Bà chỉ muốn che chở một con người đuối sức bị bủa vây. Bà tìm cách giấu anh trong bồ lúa ở nhà, hàng ngày chăm sóc vết thương cho anh. Ba mẹ bà không hay biết rằng đứa con gái đang có một sự chuyển biến trong lòng.  Và trong ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, sợ rằng ngày sẽ trôi, sẽ lạc nhau trong cõi vô thường, hai người đã hân hoan trao tặng trong một đêm mưa gió bão bùng. Bà không hối hận về điều đó, cho đến mấy chục năm sau.

Quân lên đường sau khi lành vết thương, vào trong cuộc chiến. Quân để lại cho bà địa chỉ, dặn bà hãy viết thư cho anh. Và như tất cả những người lính đi vào cuộc chiến, Quân bảo hòa bình sẽ về Cẩm Kim để tìm lại bà.

 Bà có thai Diễm. Sợ miệng đời cay độc, bà đi Đà Nẵng, ở nhà một cô bạn thân, sinh nở trong âm thầm, cho đến khi Diễm tròn sáu tháng, bà gửi con  lại đó và trở về.

 Một năm sau ngày bà sinh Diễm, hòa bình trở lại trên quê hương. Nghe tin hòa bình mà đôi mắt bà ngấn lệ. Bà đi Đà Nẵng đón Diễm về, bảo với mọi người là bà nhận Diễm làm con nuôi. Nhưng lúc đó mọi người chẳng còn quan tâm mấy về sự xuất hiện của Diễm. Bà vẫn chèo đò qua sông Thu Bồn nuôi con khôn lớn.

 Nước sông Thu Bồn mỗi năm cứ thay đổi sắc màu, cửa Đại ôm ấp cả một đại dương kia như nhìn thấy nỗi buồn miên man của bà. Sự chờ đợi lúc đầu là ngày, là tháng rồi thành năm.  Diễm lớn lên, bà cho đi học ở Tam Kỳ, Diễm lấy chồng sau đó hai đứa ra Hà Nội công tác, bà vẫn ở lại đợi người về.

Bà về lại Quảng Nam thôi. Vốn cả đời nghe gió lay cây, vốn cả đời nghe tiếng nước sông chảy, bà muốn về. Bà nói với Diễm: “Mẹ quen ở nhà quê rồi con ạ”. Diễm đưa mẹ ra phố Hà Nội buổi sáng cuối cùng khi bà còn ở đây. Bà đi theo con gái giống như bà cần người nắm tay dắt qua đường.  Cho đến giây phút ấy bà thấy một cuộc triển lãm, chính xác hơn là một phòng trưng bày.  Diễm đang loay hoay trả tiền  mua hàng thì thấy mẹ mình đã bước vào ô cửa kính, bà  bước vào nơi ấy giống như bị thôi miên.

 Khi Diễm chạy lại thì thấy mẹ đang đứng trước khu vực trưng bày những lá thư còn lại trong cuộc chiến. Gương mặt bà đẫm đầy nước mắt. Bà ôm Diễm: “Thì ra ba con không kịp trở về”.

  Trong tủ kính có trưng bày một lá thư viết tay. Lá thư trên giấy học trò, ngả màu ố vàng. Ở giữa lá thư có một lỗ tròn, bao quanh dấu cháy nám. Lời chú thích: “Người chiến sĩ ấy đã để lá thư ngay lồng ngực mình…”. Lá thư đó bà đã gửi cho ông 40 năm về trước.

 KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cho đến giây phút ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO