Ngày nay, trên những con đường nhựa dẫn đến các xã miền núi Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh (huyện Núi Thành), dễ dàng bắt gặp “chợ di động” gói gọn trên chiếc xe máy cơ bản đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Thật đơn giản và thuận tiện.
Chị Nguyễn Thị Sa (50 tuổi, ở thôn Trung Chánh, xã Tam Mỹ Tây) vừa dừng “chợ di động” trên chiếc xe máy đã cũ bên lề đường nhựa ĐT617 thuộc thôn Đồng Cố (xã Tam Mỹ Tây), phụ nữ trong xóm đã kéo ra vây quanh. Người lựa mua cá tươi, người chọn miếng thịt heo, mấy lát đậu khuôn hay lạng thịt bò nấu canh... Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là khi một cậu bé đến mua tô mỳ ăn sáng chủ “chợ” cũng bán luôn. Tô mỳ giá 8 nghìn đồng nhưng có đủ tôm thịt, chả với nước lèo thơm phức.
“Chợ di động” lên vùng núi huyện Núi Thành. Ảnh: V.PHIN |
Quan sát kỹ “chợ di động” trên chiếc xe máy của chị Sa, chúng tôi thấy như một cửa hàng “bách hóa”, có đến mấy chục mặt hàng như cá kình, cá nục, tôm, thịt heo, thịt bò, đậu khuôn, ruốc khô, cá khô, nước mắm, rồi bí bầu, rau các loại, có cả các món ăn điểm tâm như mỳ tô, bánh mì xíu, bánh tráng nướng, chè thập cẩm... Chị Sa vui vẻ cho biết: “Tất cả mặt hàng này tôi đều mua ở dưới xuôi. Mỗi ngày tôi phải đặt hàng từ chiều hôm trước rồi dậy từ 3 giờ sáng xuống lấy hàng chất lên xe máy chạy bán dọc đường từ Tam Mỹ Tây đến Tam Trà, đến tầm trưa là “chợ” hết hàng”. Chị Sa còn chia sẻ, những mặt hàng bà con cần nhưng “chợ” không sẵn, có thể dặn trước, ngày mai tôi sẽ đem lên đầy đủ. Cảm thông với người dân miền núi tiền mặt nhiều khi không có sẵn, tôi sẵn sàng ghi nợ, đến khi họ bán được lúa hoặc con gà, con heo có tiền thì trả.
Cũng như chị Sa, hằng ngày, trên các con đường nhựa dẫn đến xã miền núi Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Sơn, vào mùa mưa cũng như mùa nắng, ngay từ sáng sớm tinh mơ đã có hàng chục phụ nữ, có cả đàn ông trên những xe máy mang “chợ di động” đi khắp thôn xóm phục vụ nhu cầu của người dân vùng núi. Khi bán hết hàng, quay trở lại đồng bằng, chủ các “chợ di động” lại mang theo các sản vật của núi rừng như bí, bầu, mít, đậu và rau củ các loại bán cho người miền xuôi. Dù vất vả thức khuya dậy sớm, nhưng bù lại, mỗi ngày một chủ “chợ di động” có thể thu lãi 200 nghìn đồng. Không chỉ vậy, những “chợ di động” đã góp phần tích cực trong việc lưu thông hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược ở huyện Núi Thành.
Chị Trần Thị Thiệp (người dân thôn Đồng Cố, xã miền núi Tam Mỹ Tây) nói: “Những “chợ di động” thật tiện lợi cho người dân miền núi chúng tôi. Ở nơi heo hút này, muốn mua con cá tươi, miếng thịt heo hay bịch mắm cái, con cá khô... chỉ có thể chờ “chợ di động”, chứ đến chợ ở trung tâm xã thì rất xa. Hơn nữa, các mặt hàng tươi sống ở chợ cũng chẳng hơn gì hàng của “chợ di động” chuyển lên”.
VĂN PHIN