Chợ Điện Bàn ở... Đắk Lắk

QUỐC TUẤN 25/01/2017 15:04

(Xuân Đinh Dậu ) - Chợ Điện Bàn (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột chừng 60km. Sở dĩ có những tên gọi dễ gây tò mò như vậy bởi hầu hết người dân sinh sống và buôn bán tại đây đều di cư từ thị xã Điện Bàn cách đây ngót nghét 40 năm.

NGƯỢC theo quốc lộ 14, chúng tôi có mặt tại chợ Điện Bàn vào một sáng mờ sương. Đây được coi là điểm tập kết đầu tiên của 500 hộ dân người Điện Bàn vào 40 năm trước. Con số đó, đến nay chỉ còn chưa đầy 200 hộ bám trụ lại vùng đất đỏ màu mỡ bazan nhưng cũng lắm khắc nghiệt này. Quảng Điền - tức ruộng của người Quảng. Ngay phía sau chợ Điện Bàn là cánh đồng lúa hơn 100ha, của người dân Quảng Điền khai hoang hàng chục năm nay. Đây là nơi bà con sản xuất ra những hạt gạo thơm ngon để làm mỳ Quảng - món ăn theo chân những người đi kinh tế mới.

Chợ Điện Bàn nằm ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana nơi có gần 100 tiểu thương quê gốc Điện Bàn buôn bán.Ảnh: Q.TUẤN
Chợ Điện Bàn nằm ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana nơi có gần 100 tiểu thương quê gốc Điện Bàn buôn bán.Ảnh: Q.TUẤN

Ông Nguyễn Văn Tấn (80 tuổi, thôn 2, xã Quảng Điền), nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Điền, và cũng là một trong những người gốc Điện Bàn đầu tiên đặt chân xuống vùng đất đỏ trong chuyến đi làm kinh tế mới năm nào. “Năm 1976, theo chủ trương của Nhà nước, chúng tôi ngược lên Tây Nguyên trong sự khấp khởi xen lẫn âu lo. Xe ca chở chúng tôi dừng chân ở nhà máy nhiệt điện huyện Krông Ana còn gọi là dốc nhà đèn. Tất cả gia đình được đưa về một căn nhà tập thể làm bằng tranh, lấy cây rừng làm trụ đỡ, nền trải bằng cỏ khô và trợ cấp gạo sống tạm trong thời gian ban đầu. Sau 6 tháng trợ cấp, ôi thôi là cực” – ông Tấn kể. Do chưa quen khí hậu hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô nên việc canh tác lúa không như ở đồng bằng. Mất mùa và đói triền miên. Cộng với việc sống giữa rừng thiêng nước độc, muỗi bay như ong – những đợt sốt rét triền miên đã khiến không ít người nản chí gói ghém quần áo trở lại quê nhà. Những người ở lại thì chia nhau từng củ sắn, bát cơm.

Vợ chồng ông Phan Đình Bản, những người đã có mặt tại Quảng Điền đã 40 năm.
Vợ chồng ông Phan Đình Bản, những người đã có mặt tại Quảng Điền đã 40 năm.

Rồi những ngày gian khó cũng qua đi. Họ bắt đầu khai hoang những cánh đồng, trồng lúa với những tên gọi như Bình Dương, Bàu Hít, Bàu Bò, Trường Đảng… để làm ăn. Những năm 1978, khi đường sá thông thương thuận lợi, từ nhu cầu trao đổi, mua bán, người dân Điện Bàn lấy địa điểm ngã tư nối liền xã Quảng Điền và Bình Hòa (tên gọi bấy giờ) họp chợ. Dần dần người đến họp càng đông, cái tên chợ Điện Bàn ra đời. Mấy chục năm qua, chợ dần xuống cấp. Mới đây, tiểu thương chung tay góp hơn 300 triệu đồng xây dựng lại chợ khang khang theo chuẩn nông thôn mới, thôi cảnh lóc cóc chợ tạm mỗi mùa mưa về. Ông Lê Văn Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Điền, cũng là một người con gốc Điện Dương chia sẻ, người dân Điện Bàn tại đây nói riêng và người dân trong xã nói chung cực kỳ đoàn kết và hăng hái trong các phong trào. Tính sơ bộ nhân dân góp hơn 9 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường, bê tông hóa kênh mương; ngoài ra còn tự nguyện góp 700 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Ở chợ Điện Bàn, bà Nguyễn Thị Lương là một trong những người bán mỳ Quảng lâu nhất, đến nay đã 20 năm. Bà Lương chia sẻ rằng mỳ Quảng của mình vẫn giữ được vị quê do làm từ lúa quê được trồng ở đồng đất sau lưng chợ. Bà tự tráng mỳ. Nồi nước nhưn bốc hơi thơm lựng. Mùi dầu phụng khử nén phảng phất… Những thứ ấy, hỏi ai cầm lòng đặng mà ghé lại ăn một tô mỳ?

Con em tiểu thương ở chợ giữ được truyền thống hiếu học như ở quê nhà. Mấy chục năm qua, từ những gánh chè, sạp ăn của cha mẹ, hàng trăm người con ở đây đã học hành đỗ đạt, làm bác sĩ, kỹ sư… khắp mọi miền đất nước. Vừa lách cách đạp bàn may, bà Trần Thị Thu vừa hồ hởi khoe, con trai bà cũng là một thạc sĩ và có việc làm ổn định dưới thành phố… Những ngày thời tiết ổn định, có từ 2 - 3 chuyến xe 45 chỗ luôn nêm kín hành khách trở về thăm cố hương. Mắm cái theo những chuyến xe ấy lên đây. Mỗi lon mắm cái chỉ 2.000 - 5.000 đồng. Lời lãi chẳng là mấy nhưng các bà các mẹ ở chợ vẫn bán. “Thức chi có thể thiếu nhưng mỳ Quảng và mắm cái thì không” – một tiểu thương ở chợ Điện Bàn nói với tôi.

Quê nhà, thực chẳng còn xa xôi với họ.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ Điện Bàn ở... Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO