Chợ Đo Đo

LÊ TRUNG VIỆT 30/08/2013 09:38

Chợ Đo Đo ở xã Bình Quế (Thăng Bình), từ Quán Gò đi lên. “Quán Gò đi lên” là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi hỏi con gái, vốn là “fan ruột” sách của Nguyễn Nhật Ánh, là trong mười mấy cuốn đó, có đoạn nào miêu tả chợ Đo Đo không, nó bảo không, “Quán Gò đi lên” chỉ miêu tả quán Đo Đo của ổng.

Tôi đoán Đo Đo không phải có gốc chữ Hán. Chợ xã, nằm ngay đường trung tâm xã, nhưng xem ra không tươm  tất, cỏ mọc tùm lum. Mấy chị mấy bà trong chợ nói chợ quê, nghèo lắm em. Tôi  ngó quanh, cũng ít trái cây, cá mắm... Hỏi, chữ Đo Đo có gốc từ đâu? Họ cười, kiểu ni thì bó tay, em hỏi mấy ông già.  Tôi gặp may. Có ông cụ chỉ ngay cho ông anh con cậu của ổng, nhà sát từ đường họ Nguyễn. Sinh năm 1935, nhưng cụ Nguyễn Văn Lâm còn minh mẫn lắm, kể chuyện hóm, mắt khá tinh, lại không ngờ ông Nguyễn Nhật Ánh gọi ông là chú, chú thúc bá trong nhà. Cụ Lâm bắt đầu chuyện chợ Đo Đo bằng cái chợ Bù Chắt đâu dưới đường quốc lộ, rằng  hồi đó giữa chợ đó có hai chạc cây chéo vào nhau, một bữa  bò đuổi nhau, chạy tông vào, rứa là có tên chợ Bò Chặt, nhưng sau đó thiên hạ đọc trại thành chợ Bù Chắt. “Chứ nếu đúng chợ nớ là Bù Chắt (con Bù Chắt cắn ngứa dữ dội-PV) đầy thì răng họp chợ được”- cụ Lâm cười. Nói chuyện chợ đó để nối qua chữ Đo Đo.  Rằng, đấy, cái chợ ngay trước nhà tôi đấy, cái nhà gạch của ông, hồi trước là đình thị đó. Xứ đất ni có tên là Lý Đô. Chợ lớn lắm, cả vùng ni, xuống Quán Gò, ra Kế Xuyên, lên tuốt Sơn - Cẩm - Hà, hồi trước làm chi có chợ, nên tập trung hết về đây. Cá rổi, chiều mới chạy lên bán. Chợ đông tới 12 giờ đêm, thiên hạ đốt đuốc đi về. Nhà tôi to, mấy người Tiên Phước xuống mua mắm, gửi thùng đựng mắm chất đầy sân. Bán tạp hóa, may đồ, nên nhà tôi làm ăn được, bà già  tôi bán ở chợ, 12 giờ đêm mới về nhà tính tiền. Trong chợ có hai cây bàng lớn, ngồi dưới gốc cây mà bán. Sau này sửa chợ, làm hai dãy lều bằng tranh, giữa làm cái đình thị, trong đình là may đồ, bán bánh bèo. Chợ ni nằm giữa hai xứ đất là Lý Đô và Đá Đai, sau này gọi là Đông Hòa và Gia Phước. “Chữ Đo Đo có từ đâu bác ?”. “Có chuyện từ ông ăn mày - ông cười - hồi đó có ông  ăn mày chết giữa chợ, dân Đông Hòa và Gia Phước  đều nói chết không phải trên đất mình, nên không chịu chôn, bèn trình lên quan phủ xử. Quan trên về đo đi đo lại đất, coi thử chết bên mô, nên từ đó họ kêu là chợ Đo Đo”. Đúng là “có tích mới dịch nên tuồng”. Những cái tên dân gian sống hồn nhiên từ quan niệm dân gian, sống dai dẳng như chính đất đai xứ sở, như chính cuộc sống hồn nhiên của dân gian, không tốn giấy mực cho họp hành, nghiên cứu, hàn lâm.

Dân kẻ chợ nên lắm người giàu. “Đúng, nhiều người giàu lắm. Chuyện ni tôi nghe kể lại, không biết có đúng không,  là nơi đây có  ông Thất  Sáu giàu nhất. Chữ “thất” là do ông có 7 bà vợ. Giàu quá, nên thiên hạ nợ nần nhiều, nợ thì trả nợ có khi bằng cho cưới con gái đẹp, nên ông có nhiều vợ là rứa.  Sống với ông có một bà chuyên đi đòi nợ, hễ bà đến nhà ai đòi, không cho ăn, là bà nằm la  làng.  Người giàu không thua kém ông Thất Sáu, là ông nội tôi Nguyễn Văn  Lợi, buôn bán thuốc bắc. Chú nghĩ coi, hồi Pháp thuộc mà đã làm nhà lầu. Có ông đi đám nhà mới câu liễn: “Ba mươi tuổi, chín người con, tuổi trẻ con đông  nghe hiếm có, nhà ba cửa ngõ khó ai bì”.

“Có khi nào chợ bị trúng bom chưa?”. “Chưa”. “Giàu rứa, gia sản ông để lại nhiều không?”. Ông cười ha ha: “Còn chi đâu chú, chiến tranh loạn lạc, giữ mạng không được, nói chi nhà cửa, chạy giặc, bỏ nhà, họ lên lấy cột mít về bửa củi chụm hết. Nghe nói ông cất vàng trên đất sau nhà, sau ni đi tìm không thấy mà chỉ thấy dấu cuốc, chắc ai đó biết nên lấy rồi”. “Ăn mày lúc đó nhiều không bác?”. “Nhiều, à có chuyện ông ăn mày, đi ở thuê cho một ông gần đó. Ông ăn mày có hai đứa con trai, lúc gần chết trăng trối với hai con là khiêng tau đi chôn, rớt đâu chôn đó nghe. Khiêng đi, rớt trúng cái đìa sình lầy rất sâu, chôn luôn ở đó. Cách mạng về, hai đứa con đi bộ đội, sau ni một người đeo lon  đại tá, một người trung tá”.  Hình như xuất thân kẻ chợ, nên Nguyễn Nhật Ánh thành nhà văn giỏi? Ý tưởng những nhà văn, nhà thơ viết chuyện thế thái nhân tình bình dị mà sống dai với bạn đọc, phần lớn sống ở chợ, gần chợ, không phải do tôi phát kiến mà do ai đó tôi quên rồi, hình như nhà thơ Thanh Thảo thì phải. Muốn biết dân tình ra sao, hãy vào chợ, đêm ngày hít thở không khí chợ với hỉ nộ ái ố, chừng đấy đủ sức dựng những trang viết mà khỏi tốn công cái gọi là “thực tế sáng tác”. Nếu  đúng như thế, thì ông Ánh quả là giỏi, bởi thế giới tuổi thơ dằng dặc trong trang viết, không bị tập nhiễm thói đời dung tục, không có chuyện giàu sang hèn mạt phút chốc chiêm bao vật đổi sao dời như chuyện đời vốn vậy.

Chợ mới bây giờ cách chợ cũ chỗ tôi và ông Lâm đang ngồi đây, chừng 250m. “Răng không để nguyên chỗ cũ, đâu có vướng chi, nền cũ chừ cây mọc hoang chứ có ai làm chi đâu ?”. “Cái ni là do chính quyền. Sau 1975,  mấy ông  lãnh  đạo xã  dời chợ lên chỗ bây chừ, là do mấy ổng tính cho gần… nhà mình để vợ con dễ làm ăn”. Có đi đâu thì cũng mang tên Đo Đo, tuy đo trước khác… đo sau.

 LÊ TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ Đo Đo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO