Chớ đọc sách!

HỨA XUYÊN HUỲNH 23/04/2023 08:31

Bảo nhau “chớ đọc” ngay dịp Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 đang được nhiều nơi tôn vinh, có vẻ lạc nhịp. Nhưng nếu bạn biết ai đã đưa ra lời khuyên ấy, hẳn sẽ bình tâm nghĩ lại…

Những trang sách và quan niệm đọc sách đánh động lòng người. Ảnh: H.X.H
Những trang sách và quan niệm đọc sách đánh động lòng người. Ảnh: H.X.H

1. Ở phần phàm lệ đầu sách “Khổng học đăng”, cụ Sào Nam Phan Bội Châu liệt kê 5 lý do để độc giả… chớ đọc tác phẩm vốn được xem là di cảo có giá trị nhất, công phu nhất của cụ. Những ai không “để lòng vào nhân đạo” thì chớ đọc, vì mục đích người làm cuốn sách này là cốt phù trì nhân đạo.

Những ai mất hết nhân tâm cũng xin chớ, vì sách này cốt phát huy chân lý để duy trì nhân tâm. Ai sẵn định kiến, chưa để mắt vào bản sách này mà cứ bài bác lối học cũ và công kích lối học mới, càng xin chớ đọc. Thêm những ai đọc mà không lập định một cái chí khí tự nhiên, chưa đọc sách đã cho rằng mình định làm nô lệ cho người đời xưa lẫn người đời nay...

Và không thể quyết liệt hơn, khi cụ Sào Nam “xin thề trước 3 hạng người” để mong họ chớ đọc. Ấy là hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng; hạng muốn lòe loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc; hạng xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân.

Dòng lạc khoản cho thấy cụ Sào Nam viết những câu này vào một ngày xuân năm Kỷ Tỵ 1929 ở Huế, tức lúc ấy “Ông già bến Ngự” đã bị Pháp quản thúc, an trí. Hậu thế ghi nhận, trong quãng 15 năm cuối đời kể từ năm 1925, “Ông già bến Ngự” vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ…

Lời khuyên được viết ra ngay năm đầu tiên cụ khởi thảo bộ “Khổng học đăng”, mãi đến năm 1936 mới hoàn tất sau nhiều lần khảo duyệt lại. Cụ diễn giải tất cả những phần cốt yếu của Tứ thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), cụ khêu sáng “ngọn đèn Khổng học”, cụ nêu cao tinh hoa của nền cổ học chế ngự tư tưởng Đông phương… nhưng vẫn không quên viết đôi dòng để nói “không” với những hạng độc giả tầm thường.

2. Chuyện kể thêm rằng, bản thảo 2 bộ “Khổng học đăng” và “Chu Dịch” mà cụ Sào Nam viết trong giai đoạn này được nhiều người đương thời chép lại. Học giả Đào Duy Anh cũng nhờ chép 2 bản, một cho mình và một gửi cho người quen ở Sài Gòn.

Sau này, nhiều bản thảo quý hiếm thất lạc, may chỉ còn bản mà học giả Đào Duy Anh gửi cho người quen hay bản của người nào khác ở miền Nam còn giữ được. Và nhờ đó, cả hai tác phẩm được nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1969 và 1973. Chuyện bên lề này, học giả Đào Duy Anh kể trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”.

Ngày cụ Sào Nam khuyên một số hạng người “chớ đọc” sách của mình, hẳn cụ đang ngồi viết bên trong ngôi nhà phía đầu trên dốc bến Ngự, kiểu nhà “nhất cống lưỡng cơ” do chính cụ vẽ và đồng bào 3 kỳ góp tiền để làm.

Lúc ấy, nơi đây hẳn vẫn còn tấp nập người qua lại. Phải từ khoảng năm 1930 trở đi, sau những đàn áp chính trị khốc liệt, ngoài những người thân cận từ đầu (như cụ Huỳnh Thúc Kháng và mấy nhân viên báo Tiếng Dân) thì rất ít người lui tới.

Trong cảnh vắng vẻ cô liêu đó, cụ Sào Nam đã đọc, chỉnh sửa bản thảo và viết lời tựa cho công trình “Hán Việt từ điển” (quyển thượng) của học giả Đào Duy Anh. Lời tựa quyển thượng ký dưới một cái tên khác, Hãn Mạn Tử. Đầu năm 1932, cuốn từ điển hoàn thành.

Thật khó diễn tả hết cái ơn tri ngộ mà “người bạn thanh niên” Đào Duy Anh thuở ấy được gặp gỡ “Ông già bến Ngự”, để sau này trong hồi ký của mình, ông dành hẳn chương 3 để vừa thuật chuyện vừa tự lý giải qua tiêu đề: “Vì sao tôi trở thành người biên soạn từ điển”.

Ý định biên soạn sách Hán Việt có phần nảy sinh từ nhu cầu đọc sách bằng tiếng mẹ đẻ và truyền bá tư tưởng mới cho quốc dân. Nếu lúc trước, các sĩ phu yêu nước thường phải lấy nguyên từ chính trị của Trung Quốc để phiên âm Hán Việt (bất kể những từ đó đã có trong tiếng Việt hay chưa), thì thời mà học giả Đào Duy Anh đang đề cập, người ta phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Vậy là phải học, đọc, viết.

Mà dường như cụ Sào Nam cũng thỏa lòng khi gặp người thanh niên Đào Duy Anh. Hãy thử đọc lại “Hải ngoại huyết thư” mà cụ Sào Nam viết bằng chữ Hán từ năm 1906. Cụ không tiếc lời chê bai “cái gọi là trường Pháp Việt” của thực dân Pháp: “…nó chỉ dạy cho biết sơ sơ chữ Pháp, dịch được qua loa tiếng Pháp, đã coi là đủ rồi.

Còn như điện học, hóa học, hình học, thương học, người Pháp có đặt ra một khoa nào đâu”, chép theo lời dịch của PGS-TS.Chương Thâu. Thế đấy, hỏi sao khi gặp một người đồng chí hướng, cụ Sào Nam lại không reo lên: “May mắn thay! Gần đây gặp được người bạn thanh niên là ông Đào Duy Anh vừa biên soạn thành bộ “Hán Việt từ điển” (…) thấy chú thích tinh tường, phẫu giải minh bạch, tóm lặt hết từ ngữ thuộc về Hán văn mà Việt văn cần phải dùng đến”.

3. Ở thời sách vở còn thiếu hụt, lượng người đọc còn ít mà cụ Sào Nam vẫn khuyên “chớ đọc”, đủ thấy rõ tâm ý của người soạn sách, cốt là để vun đắp nền móng vững chãi cho lâu đài chữ nghĩa.

Giờ đây, khi sách vở tràn ngập thị trường, các kênh thông tin cứ nhan nhản, thì độc giả càng phải biết lựa chọn, biết “chớ đọc” những gì không nên đọc. Đọc sao để mỗi trang sách trở thành một người bạn, quả không dễ. Trước hết, thấy vui với “Cung đường sách” đang mở ở phố cổ Hội An hay thư viện số cộng đồng đầu tiên của cả nước ra đời ở tỉnh lỵ Tam Kỳ vào dịp này.

Thêm một địa chỉ văn hóa được gầy dựng, là thêm cơ hội để trang sách mở ra với người. Nhưng đôi khi, bên trong mỗi độc giả cũng cần nghe vang lên 2 chữ “chớ đọc”, từng viết ra từ gần trăm năm trước.

Cái đọc mà kẻ hậu sinh ngẫm được từ cụ Sào Nam, dường như cũng thấy thấp thoáng sau trang sách “Minh tâm bảo giám”, ở thiên 9, Khuyến học: “Tạo chúc cầu minh, độc thư cầu lý. Minh dĩ chiếu ám thất, lý dĩ chiếu nhân tâm” (Sắm đèn để soi sáng, đọc sách để hiểu lý. Sáng để soi nhà tối, lẽ để soi lòng người).

Lối đọc ấy, không chỉ để “nhặt” dăm ba con chữ, càng không phải dừng ở chỗ “lòe loẹt khoe khoang”, mà đã nâng lên thành cầu lý và chiếu nhân tâm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chớ đọc sách!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO