Với những giá trị đặc sắc, Đài thờ Mỹ Sơn A10 được UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận là bảo vật quốc gia.
Hiện vật gốc, độc bản
Ông Phan Hộ - Giám đốc Bản Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết, Đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm A của khu đền tháp Mỹ Sơn. Đài thờ còn khá nguyên vẹn, một vài vị trí ở phần đế, thân và yoni có vết vỡ nhỏ.
“Linga có vết rạn nứt chạy dọc từ chân lên đỉnh. Nhưng nhìn chung, chất lượng đá của đài thờ còn khá tốt. Niên đại của đài thờ này được xác định vào cuối thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 10.
Đài thờ được tìm thấy và lắp ghép hoàn chỉnh trong chương trình phối hợp trùng tu năm 2020 giữa các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ. Linga - Yoni và 2 khối đá thuộc đài thờ tìm thấy dưới lòng hố thiêng, các khối đá còn lại nằm trước đền A10” - ông Phan Hộ nói.
Theo Hội đồng thẩm định của Quảng Nam, đây là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch, xếp thành 5 lớp chồng lên nhau. Đài thờ có kích thước cao 2m26, dài 2m69, rộng 2m58. Bốn mặt của đài thờ có bố cục chung giống nhau gồm phần đế, thân và tượng thờ Linga - Yoni.
Vòi Yoni quay về hướng bắc, phần thân được trang trí giật cấp, thu vào ở giữa, trên dưới tương đối đối xứng. Phần đế có hình vuông với kích thước 2m58 x 2m58, một lớp đá được ghép từ 9 khối đá.
Bốn mặt của phần đế có bố cục trang trí khá giống nhau, mỗi mặt gồm 3 vòm cửa giả thu nhỏ nhô ra, một ở giữa và hai cửa giả ở hai đầu.
Trong mỗi vòm cửa mặt đông, tây, nam là những tu sĩ nam đứng chắp tay trước ngực theo dạng thức anjali mudra. Các tu sĩ này mặc sampot có tà trước dài dưới đầu gối và hai dải thòng xuống hai bên từ đai nịt của sampot.
Trong vòm cửa giữa của mặt bắc là một đạo sư có râu cằm dài xuống trước ngực ngồi theo dạng thức rajalilasana (kiểu ngồi hoàng gia) chân phải gấp cao, chân trái xếp bằng, tay phải đặt trên đầu gối phải và cầm tràng hạt, tay trái đặt trên gối trái, mặc đai nịt, khuôn mặt lớn, búi tóc với kiểu thức jata-mukuta, tai dài, lông mày nối, trán ngắn.
Đạo sư ngồi trên bục có trang trí bông hoa. Hai người hầu mặc khố, chắp tay đứng trong vòm cửa hai bên.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa nhìn nhận đây là một hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo với tượng thờ Linga - Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa cho đến nay. Trang trí các họa tiết và hoa văn tiêu biểu thuộc phong cách Đồng Dương và là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian thờ tự Shiva giáo qua biểu tượng Linga - Yoni, có niên đại khá sớm thế kỷ 9 – 10 cùng với công trình kiến trúc của nó.
Ở phần đế này, đường diềm dưới với hoa văn xen kẽ liên tiếp các hình tam giác của hoa cúc cách điệu. Đường diềm trang trí này chạy quanh cả bốn mặt của đài thờ.
Đường diềm trên của chân đế là họa tiết hình sâu bò. Riêng mặt phía tây, phía xoay ra mặt trước (đền A10 xoay về phía tây) có trang trí cách điệu hình hoa cúc, quả trám và xen kẽ là viền khung. Trang trí này khác với các mặt còn lại của đế đài thờ.
PGS-TS. Ngô Văn Doanh - người có nhiều nghiên cứu về văn hóa Chămpa cho biết, đền thờ A10 nằm trong nhóm tháp A tại Mỹ Sơn có rất nhiều mô típ trang trí kiến trúc truyền thống của phong cách Đồng Dương.
Ông khẳng định, Đài thờ Mỹ Sơn A10 bảo tồn được kỹ thuật xây dựng đá, là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá. Kỹ thuật này chỉ còn lại tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Chămpa nói chung.
Vật thiêng
Năm 2015, Quảng Nam cùng lúc có 2 cổ vật thuộc nền văn minh Chămpa được công nhận là bảo vật quốc gia, bao gồm Ekamukhalinga được phát hiện ở Mỹ Sơn và đầu tượng thần Shiva, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.
Ekamukhalinga chính là linga trên đài thờ Mỹ Sơn E1 từng được nhắc đến trong các văn bia Chăm. “Ekamukhalinga này có ba phần gần bằng nhau gồm hình tròn, hình bát giác và hình vuông. Linga thể hiện một đầu thần Shiva - là Đấng Hủy diệt và Tái tạo vũ trụ trong Ấn Độ giáo của vương quốc cổ Chămpa.
Ekamukhalinga này là một điển hình được thể hiện với đầy đủ chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng của một Ekamukhalinga. Đây chính là phẩm chất tạo hình của phong cách điêu khắc Mỹ Sơn E1” - PGS-TS. Ngô Văn Doanh nhận định. Bảo vật này được phát hiện hồi năm 2012 và nay được bảo toàn nguyên vẹn tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Còn bảo vật đầu tượng thần Shiva - cũng là đầu tượng Shiva của một Ekamukhalinga, niên đại vào thế kỷ thứ 10. Bảo vật này là một bản gò bằng vàng, nặng 0,58kg, cao 22cm, độc bản.
Về đường nét, hiện vật có nhiều điểm tương đồng với pho tượng Shiva trong tháp C1 của Mỹ Sơn, được trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Sau đúng 18 năm được phát hiện và lưu lạc, bảo vật mới trở về với xứ Quảng. Hiện bảo vật này được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.
Tháng 3 năm nay, Bộ VH-TT&DL có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các cơ quan văn hóa, công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính.
Về bảo quản bảo vật quốc gia, ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích - nơi lưu giữ bảo vật quốc gia để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.
Đồng thời việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, tuân thủ chặt chẽ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học, chuyên gia về bảo quản căn cứ theo loại hình, chất liệu, tình trạng của từng bảo vật quốc gia.
Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL yêu cầu các địa phương lập kế hoạch phát huy giá trị bảo vật quốc gia, xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Nếu Đài thờ A10 Mỹ Sơn lần này được công nhận là bảo vật quốc gia, Quảng Nam sẽ có 3 bảo vật đều thuộc nền văn minh Chămpa.