Làm sao để tạo sân chơi thường xuyên, chuyên nghiệp cho thanh thiếu niên vẫn còn là bài toán khó, bởi lâu nay việc này chỉ được thực hiện theo kiểu đến hẹn lại lên.
Một sân chơi cho thiếu nhi tại Hội An. Ảnh: L.Q |
Thương hiệu “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ”
Khởi động vòng sơ tuyển vào ngày 9.12, đến nay, sân chơi “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ” do Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với Thành đoàn Tam Kỳ tổ chức đã có đến hơn 100 tiết mục dự thi ở nhiều thể loại, bao gồm: Giọng hát hay, Khiêu vũ, Nhóm nhảy, Múa, Ảo thuật, Thời trang - trang phục. Được ví là sân chơi nghệ thuật của tuổi trẻ xứ Quảng, “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ” đã có sức hút ngay từ tên gọi. Lần thứ 10 tổ chức, Liên hoan “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ” tiếp tục giữ được thương hiệu khi có rất đông những giọng ca trẻ, các nhóm nhảy cũng như thanh thiếu niên ở TP.Tam Kỳ và các vùng lân cận tham gia. Theo Ban tổ chức, việc chia làm hai nhóm tuổi dự thi gồm: độ tuổi 11 - 15 và 16 - 35 nhằm giúp thí sinh thỏa sức sáng tạo và cạnh tranh. Năm nay, Giai điệu sắc màu tuổi trẻ cũng mở rộng phạm vi của thí sinh ra ngoài xứ Quảng, theo đó những người trẻ yêu thích nghệ thuật trên cả nước đều có thể dự thi. Anh Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh cho biết, “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ” đã là một sân chơi có thương hiệu của giới trẻ xứ Quảng, có thể kích thích những ai yêu thích nghệ thuật tự tin đứng trên sân khấu và đủ đầy bản lĩnh để thể hiện đam mê của mình.
Báo Quảng Nam, Tạp chí Đất Quảng đang dành đất để đăng tải những tác phẩm của lứa tuổi học trò, ở mục Văn học trong nhà trường. Cùng với đó, các em cựu học sinh ở những trường THPT, sau khi tốt nghiệp, vẫn thường xuyên duy trì những sân chơi ở nhiều loại hình cho các thế hệ đàn em của mình. Đơn cử cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm duy trì sân chơi “Huyền thoại Everest” nhằm tạo bước đệm, trang bị kiến thức cho học sinh trong trường muốn tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Hy vọng những động thái này sẽ tạo nền để các sân chơi cho giới trẻ ngày một nhiều hơn. |
Ở một nơi mà người trẻ muốn tìm đến các loại hình nghệ thuật giải trí vẫn còn khá khó khăn, thì một sân chơi duy trì thường niên và giữ được sức hút không phải điều dễ dàng. Nhiều cái tên được phát hiện từ sân chơi địa phương này và bây giờ, họ vẫn giữ được đam mê đã nhen nhóm của mình từ nhiều năm trước. Trương Kiều Diễm - hiện là một cái tên rất “hot” trong giới trẻ, được phát hiện từ “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ” của năm 2009. Những nhóm nhảy như Friend hay ATP vẫn tiếp tục được nhắc đến trong các hội hè của giới trẻ Tam Kỳ… “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ” đã chuyên nghiệp để không dừng lại ở một hội thi cấp thành phố, một chương trình văn hóa nghệ thuật địa phương đơn thuần mang nhiều yếu tố định hướng mà trở thành sân chơi mở. Để từ đó, giới trẻ có thể “thử lửa” cho đam mê, khả năng của mình trước khi ra biển lớn.
Liên hoan “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ” sẽ tổ chức đêm thi chung kết xếp hạng vào tối 29 tháng Chạp như một hoạt động chào đón Tết Đinh Dậu tại Quảng trường 24.3. Nhiều kỳ vọng được nhen nhóm tại đây, như một ngọn lửa bền bỉ duy trì công việc tìm kiếm các tài năng nghệ thuật và giúp người trẻ tự tin đi con đường này.
Khơi nguồn đam mê
Đã từng một thời rất đình đám, “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” - một sân chơi thuần về âm nhạc dành cho lứa tuổi 9 - 15, phải ngậm ngùi chia tay sau 14 mùa tổ chức. Ngẫm ngợi về các sân chơi cho tuổi mới lớn ở xứ Quảng, nhận ra có quá ít hoạt động cũng như những thể nghiệm để các em phát triển năng khiếu cũng như say mê của mình. Khi kết thúc hội diễn Hoa phượng đỏ, những người làm công tác văn hóa đã kịp hình thành một sân chơi âm nhạc mới, với tên gọi Liên hoan “Tiếng hát thiếu nhi” vào mùa hè năm 2016. Cùng với chương trình lớn của tỉnh, ở các địa phương, vẫn tiếp tục duy trì các hội thi văn nghệ, ngõ hầu tìm kiếm hạt nhân cho cuộc thi lớn của tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng phòng VH-TT TP.Tam Kỳ chia sẻ, ở những địa phương có nhà văn hóa thiếu nhi thì lứa tuổi này sẽ có nhiều loại hình sân chơi và dĩ nhiên được quan tâm hơn. Nhưng tại TP.Tam Kỳ, các bộ môn nghệ thuật tại Nhà văn hóa thiếu nhi vẫn chỉ dừng lại ở mức một sân chơi vào dịp hè, chưa đủ điều kiện để phát triển và nuôi dưỡng các em thành những đội năng khiếu.
Nhưng tuổi mới lớn không chỉ cần một sân chơi giải trí thiên về các loại hình biểu diễn. Một không gian đọc với các đầu sách phù hợp với lứa tuổi, ngoại trừ Thư viện tỉnh, vẫn chưa có không gian cũng như tác phẩm riêng cho các em. Còn với các ngành chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, lâu nay cũng chỉ tổ chức vài ba chương trình theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Ngay cả không gian lớn nhất là Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung cũng chưa thể tạo cho lứa tuổi này một sân chơi xuyên suốt với sự đa dạng về các thể tài... Trong khi đó, Hội An có khá nhiều hoạt động nghệ thuật dành cho tuổi mới lớn với nhiều chương trình văn hóa, giao lưu nghệ thuật, trong đó có những chương trình phù hợp để các em tham gia. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự quan tâm của những người làm công tác văn hóa ở Hội An rất tâm huyết.
LÊ QUÂN